Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột thi đua làm kinh tế giỏi

08:06, 20/08/2021

Trở về sau chiến tranh, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.

Gần 30 năm về trước, gia đình CCB Chu Văn Trình (tổ dân phố 6, phường Thành Nhất) rời quê hương Hà Tĩnh vào Đắk Lắk lập nghiệp. Bắt đầu xây dựng cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông cần mẫn làm thuê đủ nghề, lấy ngắn nuôi dài.  Khi đã có được chút vốn, họ bắt đầu nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2010, ông Trình quyết định phá bỏ vườn cà phê già cỗi để chuyển hướng đầu tư chăn nuôi với quy mô đàn bò từ 7 – 10 con, đàn dê hàng chục con.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột tham quan mô hình nuôi bò của gia đình ông Chu Văn Trình (giữa).

Vận dụng kiến thức tích lũy được, CCB Chu Văn Trình nuôi bò, dê theo từng khu vực riêng tùy đặc điểm mỗi loại, chú trọng giữ gìn chuồng trại thông thoáng. Ông tận dụng khu vườn, thuê thêm đất để trồng cỏ cung cấp thêm thức ăn chăn nuôi. Nhờ tính toán hợp lý, chăn nuôi khoa học, đàn vật nuôi của gia đình ông phát triển rất tốt, đầu ra ổn định. Lợi nhuận từ chăn nuôi giúp gia đình ông thu lãi bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Cũng nhờ lựa chọn hướng phát triển kinh tế hiệu quả, 5 năm qua, gia đình CCB Phạm Huy Quảng (tổ dân phố 7, phường Thành Nhất) tập trung chăn nuôi heo lai rừng với tổng đàn khoảng 45 – 50 con, trong đó có 9 con heo nái. Ông Quảng cho hay, trước đây gia đình chỉ nuôi một cặp heo giống, đến khi tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật mới mạnh dạn mở rộng quy mô đàn. Tận dụng diện tích vườn, ông phân nhiều khu chuồng cho từng loại, nhưng luôn bảo đảm thông thoáng, phù hợp với tập tính kiếm ăn tự nhiên của cả đàn.

Heo rừng có nhiều ưu điểm vượt trội, ít công chăm nuôi, sức đề kháng cao, nguồn thức ăn dễ kiếm, ít khi dịch bệnh. Mỗi con heo nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 5 – 7 con, giá thành con giống cao, đầu ra tốt. Có những thời điểm, gia đình ông mở rộng đàn lên đến 100 con để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình này giúp ông Quảng thu lãi trung bình mỗi năm 150 – 200 triệu đồng.

Đàn heo lai rừng của cựu chiến binh Phạm Huy Quảng.

Không chỉ các CCB nói trên, phát huy bản chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, rất nhiều hội viên CCB của TP. Buôn Ma Thuột đã vươn lên làm kinh tế giỏi. Thành quả họ đạt được minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, dám nghĩ, dám làm của CCB trong thời bình.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Thụ, Chủ tịch Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột, thời gian qua, phong trào CCB làm kinh tế giỏi đã lan tỏa sâu rộng trong các chi hội và hội viên, phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Hiện nay, toàn Hội có 23 doanh nghiệp, 3 tổ hợp tác sản xuất, 82 trang trại, gia trại do CCB làm chủ. Đáng biểu dương là có nhiều mô hình, doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của CCB đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương. Nhiều hội viên đã chủ động liên kết, liên doanh; ứng dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng các ngành nghề sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập khá cho CCB, con em gia đình chính sách...

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.