Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar gỡ khó "đầu ra" cho nông sản

08:02, 20/08/2021

Với tổng diện tích trên 3.200 ha, cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Ea Kar và là hướng thoát nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Tìm cách để gỡ khó cho nông dân là vấn đề đang được huyện đặc biệt quan tâm.

“Đầu ra” đang “bí”

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Ea Kar đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã: Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã: Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih... Nhiều diện tích vườn cây quy mô lớn, năng suất cao nhưng hiện đang khó tìm "đầu ra" bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trang trại mít 20 ha của gia đình anh Nguyễn Đình Thìn ở buôn Ea Rớt (xã Cư Elang).

Đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng 20 ha mít Thái viên linh theo quy trình canh tác bền vững, chủ động được nguồn nước tưới, trung bình mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Đình Thìn ở buôn Ea Rớt (xã Cư Elang) thu được từ 600 - 700 tấn quả. Những năm trước, vào vụ thu hoạch, các doanh nghiệp đến tận vườn đặt hàng, thu mua trực tiếp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU... Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu lời cả tỷ đồng/năm. Nhưng năm nay, trang trại mít đã gần đến kỳ thu hoạch mà vẫn chưa có thương lái hay doanh nghiệp nào liên hệ để đặt hàng khiến vợ chồng anh như “ngồi trên đống lửa”.

“Ngoài nỗ lực của chính quyền, mỗi nông hộ, trang trại cần thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và xây dựng chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Có như vậy mới thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng kịp thời với những thay đổi và tác động của dịch bệnh như hiện nay” - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Kar Trần Văn Đông.

 

Anh Thìn lo lắng: “Năm nay gia đình chưa biết sẽ bán hàng trăm tấn mít trong vườn như thế nào, việc thua lỗ nặng là khó tránh khỏi. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, rất mong các ngành và chính quyền địa phương có hướng tháo gỡ cho nông dân”.

Tại xã Ea Tih, nhiều hộ chuyên canh trồng vải, nhãn với tổng diện tích trên 560 ha, khoảng 70% diện tích đã cho thu hoạch. Hiện hàng trăm héc ta nhãn đang bước vào thời kỳ thu hoạch nhưng việc tiêu thụ không thuận lợi như mọi năm. Ông Phạm Đình Minh ở thôn Đoàn Kết 2, xã Ea Tih trồng 4 ha nhãn cho hay, trung bình mỗi ha thu được khoảng 20 tấn, những năm trước đầu ra thuận lợi, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, lợi nhuận cũng khá. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhãn tiêu thụ chậm, chủ yếu bán nhỏ lẻ tại địa phương, giá lại giảm một nửa, nông dân thất thu.

Gỡ khó cho nông dân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Ea Kar chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch các loại cây ăn quả với tổng sản lượng khoảng trên 8.000 tấn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn, nhưng đang gặp khó.

Vườn nhãn rộng 4 ha của gia đình ông Phạm Đình Minh ở thôn Đoàn Kết 2 (xã Ea Tih).

Trước thực tế đó, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức kết nối thị trường, tìm "đầu ra" cho nông sản địa phương. Bước đầu, đã có 2 hợp tác xã (HTX) gồm: HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút) và HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih) thực hiện việc thu mua, chế biến, bảo quản các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến cho hay, bên cạnh việc liên kết với các nhà máy gia công sản phẩm mít sấy và sầu riêng sấy lạnh, HTX cũng đã đầu tư hệ thống cấp đông, trữ đông, kho mát, sấy lạnh để tăng khả năng sơ chế bảo quản nông sản. Nhờ vậy, HTX đã nâng quy mô thu mua, tiêu thụ nguyên liệu nông sản từ 600 tấn/năm lên 4.000 tấn/năm.

Các địa phương trong huyện cũng nỗ lực tìm “đầu ra” cho nông sản địa phương. Chẳng hạn như tại xã Ea Sar, có trên 580 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 450 ha trong thời kỳ kinh doanh, chủ yếu là cây vải.

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút) Nguyễn Ngọc Thuận kiểm tra sản phẩm sấy của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đình Thìn, để tạo sự kết nối giữa cung và cầu, ngay từ đầu năm, xã đã tổ chức hội nghị gặp gỡ thương lái giới thiệu tiềm năng của địa phương, đưa các đoàn đi tham quan vườn cây tạo cơ hội gặp gỡ nông dân, đăng bài giới thiệu đặc sản địa phương trên mạng xã hội... Nhờ sự chủ động của địa phương và thời điểm thu hoạch vải cách đây 2 tháng nên việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, giá bán cao và ổn định, nông dân rất phấn khởi.

Cùng với việc kết nối, tìm kiếm “kênh” tiêu thụ nội địa, theo Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar Trần Văn Đông, huyện cũng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào vụ cao điểm thu hoạch, hạn chế tình trạng bị ép giá hoặc phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc