Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí

15:08, 24/12/2021

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…

Thông tin chủ động, kịp thời, hiệu quả, toàn diện 

Theo đánh giá tại hội nghị, công tác thông tin trên báo chí năm 2021 đã chủ động, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt, nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nội dung thông tin, tuyên truyền tạo hiệu ứng lan tỏa tốt; hình thức thể hiện đa dạng, từ tin, bài  phản ánh, phỏng vấn, phân tích sâu, Infographic và được thiết kế ấn tượng.  

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, báo chí đã thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch;  Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, góp phần truyền đi thông điệp về nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân. Cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị “vượt thời gian” để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách, là liều thuốc “an sinh tinh  thần” cho người dân trong những tháng ngày căng thẳng của cuộc chiến phòng, chống dịch.  

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện; tập trung thông tin các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng nhiệm vụ, vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... 

Công tác tuyên truyền đã cổ vũ ý chí quyết tâm và lập trường nhất quán của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông. 

Tăng cường quản lý báo chí, đẩy mạnh phát triển về chất

Đánh giá 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Quá trình quy hoạch đã đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan  thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương và 31 cơ quan báo thuộc các địa  phương (tỷ lệ giảm là 36%), không còn cơ quan báo thuộc tổ chức Hội. 

Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai rõ hơn giữa báo và tạp chí. Bộ cũng đã cấp lại giấy phép hoạt động  của hàng chục cơ quan báo và tạp chí, qua đó đã làm rõ thêm các khái niệm, nội hàm và nêu rõ nghĩa vụ của cơ quan báo chí trong việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.  

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1, sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ chú trọng đến những giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển đúng hướng: Giải quyết căn cơ câu chuyện kinh tế báo chí và chuyển đổi số báo chí, tập trung cho các đề án xây dựng hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện ở tầm quốc gia, củng cố phát triển hệ thống các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội, có chính sách hỗ trợ và nâng cao thứ hạng, uy tín của các tạp chí khoa học, đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối, tồn tại kéo dài nhiều năm trong hoạt động báo chí.  

Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động của cơ quan báo chí, cũng trong năm 2021, các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 20 cơ quan báo chí, tổng số tiền 780,9 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng; tước quyền sử dụng giấy phép mạng xã hội và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với 3 trường hợp. Lực lượng thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí và xử lý vi phạm theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, góp phần giúp cho việc xử lý các hành vi vi phạm kịp thời và hiệu quả hơn. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí”. Hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã từng bước đi vào nền nếp, tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp đã bước đầu được ngăn chặn. Tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đã kịp thời chấn chỉnh, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.  

Đổi mới mạnh mẽ, phát huy sứ mệnh báo chí cách mạng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong việc tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều đó được khẳng định trên “mặt trận” truyền thông mà các nhà báo đã thể hiện trong một năm đầy khó khăn, thách thức của 2021 vừa qua. Lòng tin của Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, đặc biệt là các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Có được điều đó, là do truyền thống của Nhân dân ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và đặc biệt có sự đồng hành của toàn bộ hệ thống thông tin truyền thông, trong đó có báo chí. 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Để báo chí phát triển, thực sự là tiếng nói không chỉ của từng cơ quan chủ quản mà còn diễn đàn của nhân dân, thì việc sắp xếp quy hoạch báo chí cần được tiếp tục đặc biệt quan tâm. Mục đích của quy hoạch báo chí là để báo chí phát triển, tránh xu hướng báo chí chạy theo thị trường quá mức, lãng phí nguồn lực của xã hội. Trong bối cảnh báo chí cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội như hiện nay, muốn báo chí tự chủ được thì Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối của các cơ quan báo chí để làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính và các bộ, ngành để có cơ chế phối hợp “đặt hàng” với báo chí trong các hoạt động truyền thông. Bên cạnh đó, để thông tin được minh bạch một cách nhanh nhất, các cơ quan phải thay đổi tư duy, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, góp phần giúp báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Đồng chí cũng lưu ý trong chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần hình thành cơ sở dữ liệu của mình vô cùng quan trọng cũng như nâng cao năng lực xử lý dữ liệu, không chỉ dữ liệu do mình quản lý mà còn liên quan đến dữ liệu của các ngành khác. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, chức năng của báo chí cách mạng. Năm 2022, báo chí phát huy hơn nữa trong tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong việc truyền thông Nghị quyết Đại hội XIII. Ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số để có những bước đi đột phá hơn nữa trong thông tin. Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của báo chí là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đây là sứ mệnh của báo chí. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin, tri thức mà phải là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân, định hướng tư tưởng, hướng tới những giá trị văn hóa, văn minh, truyền thống tốt đẹp, tính nhân văn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và trên hết là phục lợi ích của quốc gia.

Bước vào năm 2022, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, các ban, bộ ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với các cơ quan báo chí triển khai tích cực có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí năm 2022, để sự nghiệp báo chí nước nhà ngày càng phát triển đồng hành cùng sự phát triển thịnh vượng, hạnh phúc của đất nước.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc