Multimedia Đọc Báo in

Con đường của ý chí và khát vọng thống nhất non sông

17:07, 26/10/2021

Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước sang một giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt...

Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam, nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc... Việc chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện”.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 (trên cơ sở Tiểu đoàn 603 được thành lập vào tháng 7-1959, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển), mà nòng cốt là Đoàn tàu không số, do Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng (tiền thân của Lữ đoàn 125 thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam), đánh dấu sự ra đời đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm vận chuyển vũ khí, trang thiết bị chiến tranh từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một chủ trương kiên quyết, táo bạo của Trung ương mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc mở tuyến đường vận tải trên biển lúc này là đúng thời cơ, với phương pháp vận chuyển sáng tạo, độc đáo “có một không hai” trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Mỹ - ngụy đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, điên cuồng tìm cách chặt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc đấu trí căng thẳng trên biển diễn ra, đã có những tổn thất, hy sinh nhưng quyết tâm của quân và dân ta không hề thay đổi.

Trên con đường vận chuyển ấy, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số luôn trung thành với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó.

Tàu vận tải Đoàn 123 vận chuyển hàng gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam trong chiến dịch vận chuyển VT5, tháng 11-1968. Ảnh tư liệu

Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, họ đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách nhằm vận chuyển vũ khí, phương tiện vào chiến trường Nam Bộ. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí cam go, quyết liệt với kẻ thù, với gió to, sóng dữ.

Thành công của những chuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam.

Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những loại vũ khí hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo đà cho cách mạng miền Nam tiến lên và giành thắng lợi.

Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển thực hiện gần 2.000 lượt tàu thuyền vượt biển vào Nam, vận chuyển hàng chục nghìn cán bộ từ Bắc vào Nam, cùng gần 160 nghìn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh chi viện cho chiến trường, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vượt qua mọi thử thách, gian nguy, đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu không số cập bến vinh quang; là kỳ tích, thiên anh hùng ca bất hủ, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí độc lập dân tộc và thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam. 

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.