Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng chính sách xã hội “tiếp sức” cho người dân biên giới

07:17, 26/04/2024

Ea Súp là huyện nghèo, biên giới, có 8 xã vùng khó khăn, 66 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40,89% dân số toàn huyện.

Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngay từ đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ea Súp đã tham mưu cho UBND huyện trích ngân sách địa phương để chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng CSXH bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho UBND các xã, thị trấn.

UBND các xã, thị trấn cũng triển khai kế hoạch đến các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn đúng quy trình. Đồng thời, chỉ đạo trưởng các thôn, buôn, tổ dân phố phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác cho vay cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay theo quy định.

Mô hình trồng dừa bằng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của người dân xã Ia R'vê (huyện Ea Súp).

Huyện Đoàn Ea Súp là tổ chức chính trị - xã hội triển khai tốt hoạt động cho vay ủy thác đến đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh phối hợp giải ngân, tăng trưởng nguồn vốn, Huyện Đoàn cũng phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện nâng cao chất lượng tín dụng, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Đến nay, Huyện Đoàn Ea Súp quản lý 55 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 2.367 lượt đoàn viên thanh niên vay, tổng dư nợ gần 113,5 tỷ đồng. Các tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý đã tích cực phối hợp với các điểm giao dịch xã, thị trấn tuyên truyền, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay. Đồng thời, xây dựng, giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế mới để đoàn viên thanh niên áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều người dân huyện biên giới Ea Súp vươn lên thoát nghèo. Một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn này là gia đình ông Lê Văn Đỗ (thôn 11, xã Ia R’vê). Gia đình ông từ tỉnh Bến Tre đến xây dựng kinh tế mới tại vùng đất này từ năm 2006.

Ở đây đất rộng nhưng cằn cỗi và thường xuyên thiếu nước tưới, trồng cây gì cũng không hiệu quả nên cuộc sống của gia đình ông cứ quanh quẩn với cảnh nghèo. Từ năm 2016, gia đình ông được vay 65 triệu đồng theo Chương trình hộ nghèo để phát triển kinh tế.

Được nguồn vốn tín dụng chính sách “tiếp sức”, ông đầu tư cải tạo đất, khoan giếng để trồng dừa. Đến nay, gia đình ông có 1.000 cây dừa các loại. Bên cạnh bán dừa tươi, ông còn ươm cây giống bán, sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gia đình ông thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã “tiếp sức” cho gia đình ông Nguyễn Hồng Thịnh (thôn 7, xã Cư Mlan) trong hành trình thoát nghèo. Ông hiện đang vay 50 triệu đồng theo Chương trình hộ mới thoát nghèo và 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ nguồn vốn này, gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới, cải tạo đất để trồng cây ăn quả trên khu vườn có diện tích 2,7 ha. Vườn cây của ông cho thu hoạch quanh năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp cho biết, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt gần 535 tỷ đồng (tăng 9,1 tỷ đồng so với đầu năm 2024). Dư nợ bình quân 53,4 tỷ đồng/xã, hơn 2 tỷ đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 48 triệu đồng/khách hàng. Số vốn trên đã giúp trên 11.100 khách hàng vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tập trung vào các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ… Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính khác đã góp phần cùng với địa phương thực hiện các mục tiêu trong công tác giảm nghèo, giải quyết nhu cầu việc làm, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Minh Chi - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc