Multimedia Đọc Báo in

Ký ức không quên về những chuyến tàu không số

15:24, 25/10/2021

Từ tháng 8-1964 đến tháng 3-1965, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên là thủy thủ trên con tàu 41, một con tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng vượt biển vào chiến trường miền Nam vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người cựu binh… Câu chuyện kể của người thủy thủ trên con tàu không số 60 năm về trước giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Năm 1964, tôi là một thanh niên 20 tuổi, đang học ở Trường cấp 3 Tiền Hải (Thái Bình); thấy có thông báo tuyển quân thế là gửi sách bút về nhà, tình nguyện nhập ngũ. Sau 4 tháng huấn luyện ở Tiên Yên (Quảng Ninh), tôi viết đơn tình nguyện đi chiến đấu ở chiến trường B với mong muốn được góp sức mình tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nguyện vọng của tôi được chấp thuận và tôi được điều về Khu quân sự Đồ Sơn, huấn luyện những khoa mục cần thiết.

Sau hai tháng huấn luyện, tôi cùng hai đồng chí nữa được giao nhiệm vụ và căn dặn: “Các đồng chí được xuống tàu không số để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt, phải tuyệt đối giữ bí mật, ai làm người ấy biết, sống để bụng chết mang theo, không được trao đổi với bất kỳ ai. Đó là nguyên tắc phải tuyệt đối chấp hành, thư từ gửi cho ai đều phải qua kiểm duyệt, các đồng chí như những chiến sĩ cảm tử, nên những quy định trên là vì nhiệm vụ chung, chúng ta ai cũng phải chấp hành…”.

Mọi người chúng tôi rất xúc động, tự hào trước nhiệm vụ quan trọng, hứa quyết tâm hoàn thành xuất sắc.

Mắc cạn ở Hoàng Sa

Chuyến đầu tiên, tàu xuất phát từ K20 - đối diện với Nhà máy xi măng Hải Phòng - đi K35 (Đồ Sơn) nhận hàng, hành trình qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) ra vùng biển quốc tế hướng về phía nam.

Một sự cố không may là ngay trong ngày đầu tiên tàu đã bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Khi đó, thủy triều đã xuống thấp, tàu nổi trên bãi cạn, cách chỗ quân ngụy Sài Gòn đóng quân trên đảo khoảng 7 – 8 hải lý.

Suốt từ 3 giờ sáng đến 11 - 12 giờ đêm, anh em vật lộn, tìm mọi cách chằng buộc, thả neo để giữ cho tàu khỏi bị sóng đánh nghiêng sẽ làm hỏng lái và chân vịt. Đến khoảng 11 - 12 giờ đêm thủy triều lên, chúng tôi cố gắng hết sức dùng tời quay, kéo tàu ra được khỏi bãi cạn.

Kiểm tra thân vỏ tàu, máy móc không việc gì, chỉ mất một neo trái. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Sau hơn 3 ngày đêm vật lộn với sóng gió, bình tĩnh mưu trí xử lý các tình huống khi gặp địch, tàu đã tới Cà Mau an toàn.

Cảm giác đầu tiên của người thủy thủ trẻ từ miền Bắc vừa rời ghế nhà trường được mấy tháng vào đất Mũi Cà Mau là vô cùng cảm phục sự hy sinh gian khổ quyết tâm chiến đấu của đồng bào miền Nam. Những nữ chiến sĩ phục vụ ở bến tuổi đời cũng chỉ 20 - 25, có cậu thiếu niên chưa đầy 15 tuổi đeo khẩu súng trường cao hơn đầu người, làm nhiệm vụ giao liên và bảo vệ đồng chí trưởng bến…

Đại tá Nguyễn Văn Tuyên (bên phải) - thủy thủ trên tàu 41. Ảnh tư liệu

Đón giao thừa ở bến Vũng Rô

Chuyến thứ hai, tàu nhận hàng từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) và xuất phát theo hành trình đi qua eo biển bán đảo Lôi Châu – đảo Hải Nam – ra biển quốc tế và hướng về đất liền.

Thử thách lớn nhất của chúng tôi trong chuyến đi này là ngoài đối phó với địch trên đường, khi chuyển hướng vào đất liền là khu vực biển Vũng Rô rất nguy hiểm, bến bãi trống trải, địch đóng quân canh phòng dày đặc.

Địch kiểm soát rất chặt chẽ, từ Quốc lộ 1A và đỉnh Đèo Cả có thể quan sát thấy bất kỳ tàu thuyền nào ra vào, ngoài cửa vụng tàu tuần duyên của địch neo trực. Nhưng ta đã đánh lừa địch, chọn nơi hiểm yếu nhất để vào.

Theo điện trên báo cho bến là chuẩn bị đón tàu vào khoảng 8 giờ tối. Anh em ở bến chờ đón đúng giờ đó cho đến hơn 9 giờ vẫn không thấy gì, đành rút về vị trí trú ẩn. Khi tàu chuyển hướng vào bờ, do phải xử trí nhiều tình huống tránh, đánh lừa địch nên đến khoảng 12 giờ đêm mới tới gần.

Xác định đúng là Vũng Rô và vị trí quy định, tàu phát tín hiệu nhận nhau (bằng đèn pin) mãi mà không thấy gì. Tàu tiếp tục từ từ tiến sâu vào trong, tắt máy, thả trôi, tổ chức quan sát. Phát hiện có ánh lửa leo lét, chập chờn phía xa trong vách núi, tàu quyết định thả xuồng và cho người vào bắt liên lạc.

Gặp được nhau, đồng chí Trần Suyến, Khu ủy viên Khu V, trực tiếp phụ trách bến, chạy tới ôm chầm lấy chúng tôi, vui mừng khôn xiết. Họ không tưởng tượng con tàu lại lớn đến vậy, họ nghĩ chỉ chờ đón con thuyền nhỏ và chở vài tấn hàng thôi.

Chỗ cập tàu được làm như cái cầu ao, thời gian chỉ còn vài ba tiếng không thể bốc dỡ hết hàng. Phải tìm phương án bảo đảm bí mật, an toàn: hoặc là 3 giờ sáng tàu phải rút ra ngoài lãnh hải, phương án này cũng dễ bị lộ; hoặc là phải ngụy trang che giấu con tàu, bảo đảm địch không phát hiện được.

Chúng tôi đã chọn phương án 2 rất mạo hiểm, trái với lệnh của trên. Song những bài toán trên đã được tập thể con tàu và chỉ huy bến hóa giải thành công bằng cách đưa tàu vào sát vách núi, chặt cây và dùng lưới ngụy trang che phủ tàu, triển khai các phương án chiến đấu, sẵn sàng phá hủy tàu bằng bộc phá để xóa dấu vết. Đại bộ phận rút lên bờ để cùng lực lượng bến sẵn sàng đánh địch.

Suốt cả ngày căng thẳng chờ cho trời tối và cuối cùng mọi việc diễn ra như mong đợi, tàu chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chuyến mở đường và trở về miền Bắc an toàn.

Chuyến thứ ba là lần thứ hai chúng tôi chuyển hàng vào Vũng Rô. Chuyến này ngoài hàng, chúng tôi còn mang theo mấy tấn gạo tám thơm để tặng anh chị em ở bến, giúp họ vơi bớt khó khăn. 

Chuyến thứ tư, chúng tôi vào Vũng Rô giữa đêm 30 Tết. Tôi còn nhớ đó là ngày 31-1-1965, đón giao thừa trong lúc giao nhận hàng. Chúng tôi tạm dừng ít phút nghe Bác Hồ chúc Tết và cùng anh chị em ở bến đón xuân.

Trước đó 1 giờ chúng tôi giật mình vì bỗng nghe tiếng súng, tiếng pháo nổ râm ran trên đỉnh đèo, nơi địch đóng quân. Hóa ra bọn chúng cũng nổ súng, đốt pháo đón Tết mà không hề hay biết ngay dưới chân chúng cách chừng khoảng 100 m theo đường chim bay, quân cách mạng cũng đang chuyển hàng chục tấn hàng từ miền Bắc vào.

Đón năm mới ở nơi vô cùng nguy hiểm, nhưng không khí rất cảm động: cũng có bánh chưng, bánh tét, dưa hành… mà chúng tôi mang theo từ Hải Phòng. Sau những lời chúc nhau mạnh khỏe, giành nhiều thắng lợi, có một nữ thanh niên ở bến cầm nắm đất gói vào trong khăn mùi xoa trao cho đồng chí thuyền trưởng để chuyển ra miền Bắc, nói lên lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc và lời hứa quyết tâm quân dân Khu V với sự chi viện của hậu phương tình nghĩa sẽ sớm giải phóng được quê hương miền Nam thống nhất đất nước. Hiện nắm đất này vẫn lưu giữ trong Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tàu HQ 671 được công nhận bảo vật quốc gia. Nguồn: Bảo tàng Hải quân

Chuyến trinh sát nắm bắt tình hình địch

Sau khi tàu 43 vào Vũng Rô bị lộ, tuyến đường tiếp tế cho miền Nam bằng đường biển bị địch phong tỏa gắt gao. Ta tạm dừng một thời gian ngắn, một số tàu được cử đi trinh sát nắm bắt tình hình địch trong đó có tàu 41.

Chúng tôi nhận nhiệm vụ trong một không khí tĩnh lặng, thể hiện sự quyết tâm rất cao, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Tôi nhớ đồng chí Trung tá, Phó Chính ủy Võ Thành xuống tàu giao nhiệm vụ và động viên: “Chuyến này các đồng chí đi với mục đích là tìm hiểu nắm bắt tình hình địch trên biển, tìm đến địch để xem chúng phản ứng ra sao, để trên tìm phương cách tiếp tục chi viện cho cách mạng miền Nam. Tàu có thể bị địch bắt, phá hủy, các đồng chí có thể phải hy sinh, chết ngoài biển khơi…”. Tất thảy 16 cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vẫn sẵn sàng ra đi làm nhiệm vụ.

Tàu 41 giả dạng tàu cá Đài Loan, sau khi qua eo biển Lôi Châu – Hải Nam khoảng từ chiều hôm trước đến 8 - 9 giờ sáng ngày hôm sau thì gặp tàu chiến, máy bay của hạm đội 7 thay nhau bám sát, từ mạn phải, trái khoảng cách 100 m, chụp ảnh, đánh tín hiệu hỏi, chĩa súng sang đe dọa. Chúng tôi bình tĩnh phơi, khâu vá lưới trên boong tàu, một vài người khoa chân múa tay vẫy chào chúng, đánh tín hiệu chúc chúng khỏe, bảo vệ ngư dân làm ăn…

Sang ngày thứ hai, thứ ba chúng tôi giả kéo lưới từ vùng biển Philippines, cách Song Tử Tây 15 hải lý, rồi chuyển sang hướng tây đi về hướng vùng biển Việt Nam và cách bờ 70 hải lý. Hoạt động của địch càng tăng cường hơn khi tàu chúng tôi chuyển hướng vào gần phía bờ biển Việt Nam.

Trên boong tàu chúng tôi vẫn hoạt động như những ngư dân: mang mực, cá khô đã chuẩn bị sẵn ra phơi đầy boong. Địch vòng quanh giám sát rồi bỏ đi. Chúng tôi chuyển hướng về phía bắc hết ngày thứ tư, không thấy địch kèm nữa, đến tối chúng tôi chuyển hướng về phía bắc và trở về.

Chuyến đi trinh sát đã thành công, từ đó trên lại tiếp tục phái những con tàu “không số” đi vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam...

Nguyễn Xuân Tình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.