Multimedia Đọc Báo in

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Ea Súp về công tác quản lý, bảo vệ rừng

18:25, 24/04/2022

Sau khi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt, thăm hỏi động viên tổ công tác đang làm nhiệm vụ và chỉ đạo công tác điều tra, xử lý vụ việc, chiều 24/4, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).

Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; đại diện các sở, ngành của tỉnh và tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp.

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, trên địa bàn huyện có 43 đơn vị chủ rừng, thực hiện nhiệm vụ QLBVR với diện tích 146.234 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua, Huyện ủy không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác QLBVR, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ công tác QLBVR.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn huyện tiếp nhận, xử lý 30 vụ vi phạm lâm luật; đã xử lý 17 vụ. Trên địa bàn huyên phát hiện 5 vụ hủy hoại rừng, trong đó, vụ án lớn nhất là phá hơn 382 ha rừng tại Tiểu khu 205 và Tiểu khu 222, xã Ya Tờ Mốt hiện cơ quan chức năng đang xử lý. Đối với các vụ phá rừng chưa xác định đối tượng, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức xác minh và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Bí thư Huyện ủy Ea Súp báo cáo với đoàn công tác về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện
Bí thư Huyện ủy Ea Súp báo cáo với Đoàn công tác về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá tại buổi làm việc, công tác QLBVR tại huyện Ea Súp gặp nhiều khó khăn do diện tích tự nhiên của huyện rất rộng lớn, điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là các tuyến đường đi vào các xã biên giới; việc bố trí lực lượng, phương tiện để thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về QLBVR gặp rất nhiều khó khăn; hầu hết các đơn vị chủ rừng (là doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng) không coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác QLBVR, phát triển dự án; tình trạng dân di cư tự phát vào địa bàn huyện tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên đất rừng…

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) thông tin về tình hình điều tra vụ phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) thông tin về tình hình điều tra vụ phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, tỉnh đã chọn huyện Ea Súp làm điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QLBVR. Do đó, lãnh đạo huyện phải nhất quán, quyết liệt trong lãnh đạo, thực hiện; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm về phá rừng và có cơ chế bảo vệ người tố giác; cán bộ, công chức, đảng viên từ huyện đến xã tự nguyện kê khai tài sản về đất đai.
Đối với vụ án phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt đã được khởi tố, xác định đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, nên lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, theo dõi.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện công tác điều tra, quan điểm là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, ngoại lệ, củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân. Theo đó, Công an tỉnh cần sớm khởi tố bị can; huyện Ea Súp hỗ trợ về hậu cần cho tổ công tác và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong quá trình điều tra, xử lý.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.