Multimedia Đọc Báo in

Nam Trung tạp ngâm - Nỗi niềm Nguyễn Du khi làm cai bạ Quảng Bình

14:13, 21/04/2012

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long và vời Nguyễn Du ra làm Tri huyện Phù Dung, rồi Tri phủ Thường Tín. Năm 1804, Nguyễn Du cáo bệnh, từ chức, về quê  nhưng chỉ được hơn một tháng thì lại có chiếu chỉ triệu vào kinh, giữ chức Đông các điện học sĩ. Năm 1809, ông được điều ra làm Cai bạ Quảng Bình. Cai bạ là chức quan đầu tỉnh nhỏ. Thời Nguyễn Du làm Cai bạ Quảng Bình, gia phả họ Nguyễn – Tiên Điền chép: “Phàm những việc trong hạt, như lính tráng, dân sự kiện thưa, tiền nong, lương thực, và các hạng thuế, ông đều bàn bạc thương lượng với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành”. Bốn năm làm Cai bạ Quảng Bình (1809 – 1813), lòng Nguyễn Du “ngổn ngang trăm mối”. Ông đã bộc lộ nỗi lòng của mình trong tập thơ  “Nam Trung tạp ngâm”.

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta biết ông chẳng mấy thích thú đối với việc làm quan. Ông làm quan chủ yếu là vì mưu sinh. Nhà ông nghèo, lại đông con “mười miệng kêu đói ở ngoài bắc Hoành Sơn”. Thời ở Huế, ông rất ngán cái cảnh “vào luồn ra cúi” nhưng vì ở gần “mặt trời” nên ông chỉ bộc lộ một cách khá kín đáo: “Không bệnh mà lưng cứ phải khom” (Thu chí). Ra Quảng Bình, có xa “mặt trời” hơn, nhờ “chính sự giản dị, không cần tiếng tăm”, ông được các bậc sĩ phu và nhân dân Quảng Bình hết sức yêu quý nhưng lại thường bị một số quan lại coi thường. Nhà thơ không giấu được nỗi bực mình. Trong bài “Ngẫu đắc” (Ngẫu nhiên được bài thơ), ông viết: Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã (Khi có việc bọn nha lệ đều lên mặt kiêu ngạo với ta). Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến ông chán ghét cảnh làm quan. Điều khiến nhà thơ chán ghét cảnh làm quan chính là cái bản tính phóng khoáng, thích tự do của ông. Trong bài “Tân thu ngẫu hứng” (Đầu mùa thu ngẫu hứng) cũng viết tại Quảng Bình, ông than thở: Thử thân dĩ tác phần lung vật/ Hà xứ trùng tầm hãn mạn du (Thân này đã là vật trong lồng củi rồi/ Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa). Sau này, khi viết Truyện Kiều, ông đã mượn lời Từ Hải để bày tỏ tâm trạng chán cảnh làm quan của mình: Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn, ra cúi công hầu mà chi.

   Tượng Nguyễn Du trong Khu di tích Nguyễn Du  ở  Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
Tượng Nguyễn Du trong Khu di tích Nguyễn Du ở Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)

Tâm trạng nhớ quê hương Hồng Lĩnh cũng một phần xuất phát từ cái tính thích cuộc sống tự do, phóng khoáng ấy của ông. Vì Quảng Bình  cách quê ông một dãy Đèo Ngang nên nỗi nhớ, nỗi khao khát được trở về quê càng dâng trào, nhất là khi ông có chuyến công cán ra Roòn (thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Trong bài “Nễ Giang khẩu hương vọng” (Ở cửa sông Roòn nhìn về quê), ông viết: Vọng vọng gia hương tự nhật biên/ Hoành Sơn chỉ cách nhất sơn điên/ Khả liên quy lộ tài tan nhật/ Độc bảo hương tâm dĩ tứ niên (Ngóng trông quê nhà từ bên phía mặt trời/ Chỉ cách Hoành Sơn một đỉnh núi/ Đáng buồn là đường về chỉ ba ngày tới/ Mà lòng nhớ quê đã bốn năm trời). Những năm tháng ở quê, ông tự do đi săn, tự do đi câu cá, tự do đi hát phương vải… Ở đó, ông có một đại gia đình, có bà con thân thích  làm sao không mong nhớ và khát khao trở về được. Sống trên đất Quảng Bình, ông cảm thấy hết sức cô đơn: Lệ Thủy, Cầm Sơn giai thị khách (Lệ Thủy hay Cầm Sơn ta vẫn là khách – Tân thu ngẫu hứng). Và mặc dù việc quan bề bộn, nhưng vốn thích tự do, phóng khoáng nên thỉnh thoảng ông vẫn dành cho mình những phút giây thư giãn. Nhà thơ đi bách bộ ngắm cảnh dọc bờ sông Nhật Lệ: Tán phát cuồng ca tứ sở chi (Xõa tóc, hát cuồng mặc ý đến đâu thì đến – Giang đầu tản bộ). Tâm trạng chán cảnh làm quan và da diết nhớ quê bàng bạc trong “Nam Trung tạp ngâm”, chỉ có điều khi làm Cai bạ Quảng Bình, Nguyễn Du bộc lộ trực tiếp hơn, cháy bỏng hơn vì những lý do đã trình bày ở trên.

Riêng về cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hàng trăm năm thì mãi đến khi làm Cai bạ Quảng Bình nhà thơ mới có điều kiện tìm hiểu một cách đầy đủ, thấu đáo hơn. Bởi Quảng Bình có dòng sông Gianh từng là ranh giới chia cách Đàng Ngoài và Đàng Trong; là nơi diễn ra hàng trăm cuộc giao tranh ác liệt. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, phía đông thành Lũy Thầy những pháo đài đã bỏ không (Pháo đài hư thiết thổ thành đông – Pháo đài) nhưng nhà thơ vẫn như đang nhìn thấy: Trên đồng nội mênh mông, hoang vắng nơi nơi đầy những hố chôn xương không chủ (Khoán dã biến mai vô chủ cốt – Ngẫu đắc) và Trăm trận xương tàn dưới bãi cỏ xanh (Bách chiến tàn hài ngọa lục vu – Độ Linh Giang). Bởi thế, Nguyễn Du hết sức căm ghét chiến tranh. Ông nhận thức một cách sâu sắc rằng cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn chẳng qua là sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến. Vì thế cho nên khi cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” này đã qua đi: Giờ đây không còn ai quý trọng cái công lao giết người nữa (Nhĩ lai bất quý sát nhân công). Và cái cần phải coi trọng nhất, cái cần quan tâm nhất theo nhà thơ chính là nghề nông (Ngưu độc ưu sừ chính trọng nông – Pháo đài). Đó là một quan niệm hết sức tiến bộ, hết sức nhân văn của Nguyễn Du. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình của Quảng Bình in đậm trong tâm trí nhà thơ. Đọc Truyện Kiều, nhiều người đã nhận ra cảnh sắc cửa sông Nhật Lệ (Đồng Hới) qua các hình ảnh: Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia; Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…

Bốn năm làm Cai bạ Quảng Bình là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du. Những tâm sự sâu kín  được ông bộc lộ qua tập thơ “Nam Trung tạp ngâm” ở giai đoạn này là cơ sở để ông tìm đến với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân và nhào nặn lại thành tác phẩm “Truyện Kiều” bất hủ.

Mai Văn Hoan


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia