Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – trách nhiệm ba bên

08:48, 22/05/2024

Thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo đảm sức khỏe người lao động, phòng, chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp cần được cụ thể  hóa qua hoạt động tại cơ sở, với sự phối hợp tích cực từ nhiều phía: cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và bản thân người lao động.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) NGUYỄN QUANG THUÂN.

♦ Thời gian qua, công tác ATVSLĐ mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn xảy ra những vụ TNLĐ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn vì chạy theo lợi nhuận nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động, cũng như chưa dành thời gian cho công tác huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho người lao động.

Trong khi người sử dụng lao động thiếu ý thức trách nhiệm, thì đại đa số người lao động chưa nhận thức đầy đủ nên còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ, kỹ thuật, quy trình vận hành máy móc trong quá trình lao động, sản xuất. Một số lao động do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn. Đây là những nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Theo thống kê, hằng năm trung bình có trên 80% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, TNLĐ. Nhiều doanh nghiệp có báo cáo nhưng mang tính đối phó, chậm so với thời gian quy định nên ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành chức năng…

♦ Thực trạng đó cho thấy việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các điều kiện bảo đảm ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và người lao động đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan chức năng đã cụ thể hóa hoạt động này ra sao, thưa ông?

Để kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa và hạn chế các sự cố TNLĐ xảy ra, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác công tác ATVSLĐ – phòng, chống cháy nổ (PCCN).

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai một số giải pháp như: Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về công tác an toàn lao động, chế độ bảo hộ lao động, các chế độ chính sách đối với người lao động; tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật ATVSLĐ-PCCN cho các doanh nghiệp, cơ sở, đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai thác khoáng sản, sử dụng điện, xây dựng... Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động, người quản lý ở các doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức làm công tác an toàn lao động các cấp. Chủ trì, phối hợp với các ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ-PCCN tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...

Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; quan tâm đề xuất khen thưởng trong những ngành nghề có nguy cơ cao mất an toàn lao động làm tốt công tác ATVSLĐ và xử lý, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo tỉnh và Sở LĐ-TB&XH thăm và động viên công nhân bị tai nạn lao động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

♦ Tháng hành động năm nay có chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", theo ông cần tập trung vào những giải pháp gì để giảm thiểu TNLĐ và những thiệt hại không đáng có?

Để giảm thiểu TNLĐ và những thiệt hại không đáng có về con người lẫn cơ sở vật chất, ngoài những giải pháp ngành lao động đã và đang triển khai thực hiện thì các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội; tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố để phòng tránh kịp thời.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa TNLĐ - PCCN, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tăng cường đối thoại, giải đáp chính sách, vướng mắc trong công tác ATVSLĐ ở các cấp từ cấp tỉnh đến địa phương, trong các doanh nghiệp; rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tăng cường bảo hộ lao động, thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động; rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và PCCN tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hồng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.