Multimedia Đọc Báo in

Tuổi thơ vất vả mưu sinh

11:20, 25/08/2015

Đang ở tuổi ăn học, lẽ ra các em phải được bảo bọc, chăm sóc trong vòng tay cha mẹ, thế nhưng, ở khu vực nội thành Buôn Ma Thuột vẫn có nhiều em nhỏ đang ngày đêm vất vả mưu sinh nơi vỉa hè, góc phố, bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập bên mình…

Dạo quanh các quán cà phê, quán nhậu, hàng ăn… trên địa bàn nội thành Buôn Ma Thuột, rất dễ bắt gặp những em nhỏ bán vé số, đánh giày, bán đậu phộng và cả ăn xin… Đa số các em đều có hoàn cảnh nghèo khó nên bỏ học từ sớm để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Hoàn cảnh khó khăn, không ít em nhỏ phải bỏ học để đi bán báo và vé số kiếm tiền (Ảnh chụp tại vỉa hè đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột)
Hoàn cảnh khó khăn, không ít em nhỏ phải bỏ học để đi bán báo và vé số kiếm tiền (Ảnh chụp tại vỉa hè đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột)

Tại quán cà phê vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt, chúng tôi gặp một bé trai khoảng chừng 8 tuổi với dáng người gầy còm, đen nhẻm, trên tay cầm một xấp vé số bước đến mời chào: “Chú ơi mua giùm cháu tờ vé số!”. Qua hỏi thăm chúng tôi được biết, cháu tên Lê Mạnh Hùng, quê ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Do bố mẹ bỏ nhau nên Hùng lên Đắk Lắk sống với bà ngoại ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. Hoàn cảnh của bà neo đơn, lại nghèo khó nên Hùng không có điều kiện được đến trường học. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng cháu phải thức dậy cùng bà ra đại lý cách nhà 3 km để mua vé số rồi chia nhau đi bán. Hùng kể: “Cháu chủ yếu chỉ bán ở các quán cóc vỉa hè thôi, vào cửa hàng lớn hoặc trong khuôn viên nhà là bị người ta đuổi. Nhiều khi bán đến chiều vẫn còn ế, đành phải đứng ở các điểm đèn tín hiệu giao thông mời chào khách qua đường”. Ngồi chừng 15 phút, chúng tôi lại gặp một cậu bé đánh giày với bộ đồ nghề mang theo gồm mấy hộp xi, đôi miếng lót giày và đôi dép nhựa cho khách đi tạm, được đựng trong hộp gỗ nhỏ. Em tên Trần Đình Chiến (SN 2000) từ xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) lên thành phố đánh giày 2 năm nay. Vừa đánh giày cho khách, Chiến vừa tâm sự: “Vì gia đình khó khăn, nhà lại có tới 6 anh em nên học hết lớp 9 em phải nghỉ học lên TP. Buôn Ma Thuột  kiếm sống. Lúc đầu làm nghề này em cũng ngại lắm, nhưng làm nhiều cũng thành quen”. Mỗi đôi giày đánh cho khách xong Chiến được trả 10 nghìn đồng. Ngày nào may mắn em kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, còn những ngày trời mưa thì có khi sáng đi tối về tay trắng.

Đêm đến, tại hầu hết các quán nhậu từ bình dân đến một số nhà hàng sang trọng trên đường Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Y Jút… chúng ta dễ dàng bắt gặp những cháu nhỏ chừng 5- 7 tuổi xách theo những túi nilon đậu phộng luộc để bán. Mỗi quán nhậu thường xuất hiện 1 - 2 cháu ăn mặc rách rưới, đầu trần chân đất đi đến các bàn nhậu nài nỉ từng người mua đậu phộng. Đáp lại lời mời đôi khi là cái nhìn thờ ơ, những câu nói như xua đuổi, hay một vài ánh mắt thương cảm của thực khách. Mặc dù chúng tôi mua 2 túi đậu phộng nhưng khi hỏi han bắt chuyện thì các cháu lảng tránh không nói gì. Quán nhậu càng về đêm, khách nhậu túy lúy trong men say thì bước chân của những đứa trẻ đang vất vả mưu sinh mỗi lúc càng nặng nề hơn, và sự mệt mỏi lại càng rõ nét trên gương mặt non nớt của các cháu. Sau khi đi mời chào hết các bàn nhậu trong quán, các em ngồi lại đếm những bì đậu phộng còn trên tay. Có lẽ chúng đang tính toán phải bán được bao nhiêu nữa mới được về nhà (?!). Chúng tôi để ý, sau khi đi hết lượt khách trong quán, các cháu lại ra góc đường, nơi có người lớn đang chờ sẵn  chở đi quán khác…

Những đứa trẻ phải mưu sinh vất vả nơi vỉa hè, đường phố hầu hết đều có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi phụ huynh lại thiếu sự quan tâm, định hướng cho tương lai của con em mình. Nhiều người thấy con mình kiếm được tiền mang về thì vui, cứ phó thác các em cho xã hội. Một số người còn khuyến khích con bỏ học đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà không biết rằng ở bên ngoài có nhiều cạm bẫy, hiểm nguy luôn rình rập. Không chỉ thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, khi tiếp xúc sớm với cuộc mưu sinh vì “miếng cơm manh áo”, các em dễ bị tổn thương trước những mặt trái của xã hội, bởi tuổi đời các em còn quá nhỏ. Để kiếm được đồng tiền nơi vỉa hè, góc phố, các em còn phải đối diện với biết bao nguy hiểm khác như: bị đàn anh, đàn chị đi trước bắt nạt, bị những kẻ xấu chiếm đoạt tiền, thậm chí là xâm hại đến sức khỏe và tinh thần của các em. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em rất dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội, để rồi cuộc đời các em bị buộc chặt vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc