Multimedia Đọc Báo in

Sống dậy nghề dệt ở Hra Ea Hning

05:47, 06/01/2023

Dưới mái nhà sàn buôn Hra Ea Hning (xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin), ngày ngày các bà, các mẹ vẫn cần mẫn, say sưa bên khung cửi. Tiếng lách cách, kẽo kẹt vang lên đều đặn, mang đến niềm vui, sự tự hào với nghề truyền thống.

Hơn 40 năm gắn bó với khung cửi, dù đã bước qua tuổi 60 nhưng đôi tay của bà H’Neo Bdap, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning vẫn thoăn thoắt bên những sợi chỉ. Đối với bà, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất nên luôn mong muốn gìn giữ cho mai sau. Bà kể, từ khi còn nhỏ, bà cùng chị em trong nhà đã được mẹ dạy cách dệt vải. Cần mẫn xếp chỉ, tình yêu với nghề dệt truyền thống cứ thế lớn dần lên, ai cũng say sưa học hỏi, dần dần đã có thể tự tay dệt nên những tấm khăn dài, rồi đến váy, bộ áo truyền thống.

Bà H’Neo Bdap đang xếp chỉ.

“Ngày trước trong buôn hầu như nhà nào cũng dệt vải, lúc ấy cuộc sống khó khăn nên mỗi khi dệt được tấm vải đẹp, mọi người lại lặn lội đi bộ hoặc đạp xe đạp đi đến những buôn làng xa hơn để bán. Tuy vậy, theo thời gian, việc buôn bán ngày càng khó, mọi người không thể dựa vào nghề dệt vải để sống mà chỉ tranh thủ dệt lúc nhàn rỗi, còn đa phần dành thời gian tất bật trên nương rẫy”, bà H’Neo trải lòng.

Canh cánh trước nghề dệt vải truyền thống của dân tộc bị mai một dần, khi nhiều chị em phải rời xa khung cửi để lo phát triển kinh tế gia đình, năm 2021, bà H’Neo đã tập hợp những chị em có tay nghề giỏi trong buôn để thành lập nên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Thời gian đầu, các thành viên tập trung dệt tại nhà bà H’Neo. Đến cuối tháng 8/2022, Tổ hợp tác được Hội Từ tâm Đắk Lắk tặng một ngôi nhà sàn truyền thống nên có nơi làm việc thuận tiện hơn. Hằng ngày 6 thành viên của tổ lại cùng tập trung, cần mẫn ngồi dệt.

Trong số các thành viên của Tổ hợp tác, bà H’Rưm Hmok (SN 1957) là người có tay nghề, đặc biệt thành thục kỹ thuật Kteh. Kỹ thuật này được xem là đỉnh cao nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Êđê, khó hơn cách dệt hoa văn thông thường nên hiện không nhiều người học được.

Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ea Hning bên khung dệt.

Bà H’Rưm chia sẻ, từ hồi còn nhỏ bà thường xem mẹ dệt, năm 12 tuổi bà lấy sợi chỉ của mẹ, theo dõi mẹ làm hoa văn rồi tự làm theo. Cứ thế, đến năm 18 tuổi, bà đã dệt được nhiều hoa văn đẹp, những sản phẩm bà làm ra được người dân buôn khác mua hết. Rồi bà lập gia đình, bận rộn với nương rẫy, khung cửi cũng cất tạm vào một góc nhà, thi thoảng mới mang ra. “Hai năm nay, tham gia tổ hợp tác, được quay lại nghề dệt, hằng ngày gắn bó với khung cửi khiến tôi rất hạnh phúc. Bây giờ tuổi cao sức yếu, nghề truyền thống này vừa giúp có thêm thu nhập, vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, bà H’Rưm bộc bạch.

Không chỉ làm sống dậy nghề truyền thống, tổ hợp tác cũng đã tìm được đầu ra cho sản phẩm nhờ liên kết với một nhà may lớn tại xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) chuyên về thiết kế áo váy từ thổ cẩm, qua đó đã giúp mỗi thành viên có mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đến nay, niềm mong mỏi của các thành viên trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm là có thể tập hợp được nhiều người tham gia để giữ nghề truyền thống, cũng như truyền dạy cho thế hệ trẻ trong buôn. Như bà H’Neo, lúc rảnh rỗi bà lại tận tình truyền dạy cách dệt cho con cái. Hiện con gái đầu của bà rất mê nghề dệt, ngoài công việc chính là dạy trẻ, thời gian rảnh cô lại cùng mẹ ngồi lại dệt thổ cẩm, vừa thỏa niềm đam mê, vừa thêm gắn kết tình cảm gia đình.

Ông Y Dzhung Byă, Trưởng buôn Hra Ea Hning cho biết, buôn có hơn 400 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Êđê, trong đó có 110 hộ nghèo, hơn 50 hộ cận nghèo, người dân trong buôn hầu hết làm nương rẫy. Đến nay, phụ nữ trong buôn có nghề dệt thổ cẩm vừa giúp giữ gìn, bảo tồn, văn hóa truyền thống, lại vừa có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.