Multimedia Đọc Báo in

Người “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm truyền thống

08:06, 18/03/2022

Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều năm qua chị H’Hương Niê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã "thổi lửa" đam mê dệt cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Từ nhỏ chị H’Hương đã được nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ. Niềm yêu thích nghề dệt thổ cẩm trong chị lớn dần theo năm tháng. Đến năm 12 tuổi, chị H’Hương được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm, từ đó đến nay chị đã dệt không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm.

Chị H’Hương Niê giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm.

Chị H’Hương chia sẻ: “Với mong muốn nghề dệt truyền thống được lưu giữ, đồng thời giúp chị em trong thôn, xã tăng thêm thu nhập từ nghề dệt lúc nông nhàn, sau một thời gian dài trăn trở, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển nghề dệt, tìm cách tiêu thụ, quảng bá sản phẩm”. Tháng 8/2018, chị H’Hương vận động 10 hội viên phụ nữ dân tộc Êđê tại địa phương biết dệt thổ cẩm thành lập Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào Êđê như túi xách, ví, khăn, áo váy nam nữ… Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm, cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chị H’Hương Niê bên khung dệt.

Bản thân chị H’Hương vừa dệt, thêu, thiết kế các sản phẩm và là người đưa sản phẩm thổ cẩm của cơ sở đi giới thiệu tại các điểm du lịch, hội chợ, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa bàn huyện. Chị cũng thường xuyên trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng để nắm bắt thị hiếu về mẫu mã, chất lượng thổ cẩm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm dệt mới lạ, tinh xảo. Ví như những nét hoa văn trang trí ở đường viền chân váy, cổ áo, tay áo… có dạng hình thoi, hình tam giác kết nối vào nhau, hay được mô phỏng hình ảnh của hoa lá, cỏ cây, muôn loài. Tuy nhiên, chị H’Hương cho biết, dù cải tiến, thay đổi thế nào thì nền màu đen và họa tiết màu đỏ, vàng ở mỗi bộ trang phục vẫn là chủ đạo vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc Êđê.

Sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul ngày càng được nhiều người biết đến, là tín hiệu tích cực trên hành trình gìn giữ nghề dệt truyền thống trong cộng đồng người Êđê ở Ea Tul.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Êđê ngày càng tăng, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul, chị H’Hương chủ động đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ tại địa phương có nghề dệt tham gia vào cơ sở dệt thổ cẩm. Đến nay, Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul đã thu hút và tạo việc làm cho 20 chị em.

Các thành viên trong Tổ hợp tác được đầu tư nguyên vật liệu và thu mua lại sản phẩm dệt theo giá thỏa thuận từng loại mặt hàng. Các sản phẩm thổ cẩm đều làm thủ công với độ bền cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, cải tiến nên được các đơn vị thu mua thường xuyên và khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Bình quân mỗi tháng Tổ hợp tác bán từ 150 - 200 sản phẩm với giá 50.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.

“Điều đáng mừng là sau gần 4 năm tham gia Tổ hợp tác, 6 thành viên trước thuộc hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo, dần ổn định kinh tế. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê ở xã Ea Tul nhờ đó được duy trì, phát triển”, chị H’Hương phấn khởi. Bên cạnh đó, chị còn tham gia giảng dạy tại nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ trong và ngoài huyện.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.