Multimedia Đọc Báo in

Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất: Dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc

15:55, 23/04/2024

Cách đây 48 năm, vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của Nhân dân Việt Nam. Sau 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và anh dũng chống xâm lược của chủ nghĩa thực dân, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Nhân dân ta được sống trong hòa bình, được làm chủ vận mệnh của mình, hết sức phấn khởi, tự hào và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, với nguyện vọng tha thiết đất nước được độc lập, thống nhất, Nhân dân càng quyết tâm thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Trước tình hình đó, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết, thuận lợi để phát triển toàn diện đất nước, tháng 9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Hội nghị đề ra phương hướng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” và nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. “Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước cũng tức là chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thống nhất nước nhà về các mặt khác”.

Đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam ký văn kiện chính thức sau Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975. Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “quyết tâm phấn đấu để cuộc Tổng tuyển cử tới đây đạt kết quả tốt và thật sự là một ngày hội lớn của đồng bào cả nước”.

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW, ngày 3/1/1976, qua đó xác định rõ những nguyên tắc của cuộc bầu cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Để cụ thể hóa Chị thị của Bộ Chính trị và tạo cơ sở cho việc tổ chức cuộc bầu cử, ở miền Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội vào ngày 20/2/1976. Việc giới thiệu những người ra ứng cử và lập danh sách cử tri được thực hiện một cách dân chủ, rộng rãi theo đúng quy định của pháp lệnh này.

Trong khi đó, ở miền Bắc, việc giới thiệu những người ra ứng cử được áp dụng theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13/1/1960. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ để cử tri trao đổi ý kiến, tự mình lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Sau quá trình chuẩn bị đã xác định có tổng cộng 605 người ứng cử đại biểu Quốc hội trên cả nước trong cuộc bầu cử này. Đó đều là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, tư sản dân tộc, đại biểu dân tộc thiểu số, các tôn giáo.

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức vào ngày 25/4/1976.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu
Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Với không khí là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%.

Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà.

Từ năm 1976 đến nay, trải qua các nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; luôn khẳng định vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc