Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp sức” cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên

09:26, 07/05/2024

Huyện Krông Năng hiện có 32.537 hộ, 143.589 khẩu, với 30 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 32,35% dân số toàn huyện. Các DTTS có đông dân cư như Êđê, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Chứt, Cao Lan…

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là chương trình MTQG 1719), Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã tích cực triển khai, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân trên địa bàn. Qua đó, mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS, tạo sức bật đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Gia đình chị H’Rin Mlô (SN 1990, buôn M'rưm, xã Ea Hồ) thuộc diện hộ nghèo, có 5 sào đất trồng cà phê. Năm 2020 được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư sản xuất, chị trồng thêm 80 cây sầu riêng, 20 cây bưởi da xanh xen canh trong vườn cà phê. Năm 2023, chị tiếp tục được vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn này. Nhờ đó đến nay, vườn cây xen canh phát triển tốt, cây sầu riêng bắt đầu vào giai đoạn kinh doanh. Chị H’Rin cho hay: "Gia đình đang khốn khó thì được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế nên rất phấn khởi".

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Năng giải ngân nguồn vốn vay cho người dân trên địa bàn xã Phú Lộc.

Tương tự, gia đình chị H’Hồng Niê (SN 1982, cũng ở buôn M’rưm, xã Ea Hồ) chỉ có 8 sào cà phê. Vườn cây đã già cỗi, năng suất giảm, thu nhập của gia đình 5 người chỉ phụ thuộc vào tiền công làm thuê của vợ chồng chị nên bao năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2022, thông qua Hội LHPN xã, gia đình chị H'Hồng được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng mua hai con bò cái trị giá 20 triệu đồng, số tiền còn lại đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Đến nay, hai con bò đã sinh hai con bê, vườn cây phát triển tốt, cuộc sống của gia đình dần ổn định...

Hay như trường hợp của bà Hà Thị Phán (dân tộc Thái, ở buôn Ea Krái, xã Dliêya) cùng gia đình từ huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vào huyện Krông Năng lập nghiệp từ những năm 1990. Nhiều năm qua, gia đình bà vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăm sóc vườn mắc ca trồng xen canh hơn 100 trụ tiêu, nên giờ đây kinh tế cũng bớt khó khăn.

Bà Hà Thị Phán (buôn Ea Krái, xã Dliêya) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò.

Từ năm 2019 - 2023, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã cho 5.283 lượt hộ đồng bào DTTS vay hơn 177,3 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định đời sống (gồm: vay xuất khẩu lao động, vay hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, vay chương trình 1719, vay chương trình 2085, vay học sinh, sinh viên, vay xóa nhà tạm, vay nước sạch vệ sinh môi trường, vay ưu đãi...).

Ông Mai Văn Trâm, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: "Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, vay học sinh, sinh viên... Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi, các hộ dân là người DTTS đã sử dụng vào mục đích đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Từ đó đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều hộ đã chịu khó làm ăn và vươn lên làm giàu".

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, toàn huyện Krông Năng còn 5.169 hộ nghèo (chiếm 15,88% số hộ toàn huyện); trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 3.077 hộ, chiếm 59,52%; hộ cận nghèo là 3.486 hộ, chiếm 10,71% số hộ. Từ nay đến năm 2029, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đạt từ 3 - 3,5%/năm.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.