Multimedia Đọc Báo in

Ba Vát - cảng thị sầm uất một thời

07:34, 21/04/2024

Ba Vát nằm trên châu thổ Cù lao Minh thuộc thị trấn Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Đây là địa danh có bề dày lịch sử lâu đời, phồn thịnh từ thế kỷ 17. Hình ảnh sung túc ấy được lưu truyền qua câu ca dao: "Sông Bến Tre nhiều hang cá ngát/ Đường Ba Vát gió mát tận xương".

Nguồn gốc tên Ba Vát

Ba Vát (còn có tên gọi khác là Ba Việt) là địa danh gốc Khmer, được phiên âm từ chữ “Pears Watt”, nghĩa là chùa Phật. Nơi đây từng là vùng đất của người Cao Miên sinh sống. Vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, người Việt mới đến đây cư ngụ.

Sau đó, những nhóm người Hoa đã sang Việt Nam định cư và khai phá. Người Việt tập trung khai vỡ đất hoang để sản xuất nông nghiệp, còn người Hoa mở cửa hàng buôn bán và sản xuất các mặt hàng thủ công, họ dựa vào lợi thế của các con sông mà phát triển việc buôn bán của mình.

Thuyền buôn của họ rong ruổi khắp nơi không chỉ trong khu vực Bến Tre mà ra khắp các tỉnh trong nước và sang tận Xiêm La, Cao Miên, Trung Quốc...

Lúc này, nhiều ngôi chợ ở Bến Tre được hình thành trên những giồng đất cao, khô ráo ven sông ở các huyện Duy Minh, Bảo Hựu, Bảo An... Trong đó, chợ Ba Vát là một trong những ngôi chợ sầm uất, đồng thời là cảng thị nổi tiếng của Bến Tre lúc bấy giờ.

Do vị trí thuận lợi cho việc giao thương trên sông, các tàu buôn châu Á đổ về Ba Vát ngày một đông đúc. Mặt hàng buôn bán của các thương nhân Hoa, Nhật là đồ gốm sứ và vôi nung từ vỏ sò.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) nói về chợ Ba Vát như sau: “Chợ Ba Việt ở thôn Hạnh Phúc, lị sở huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập”. Sách “Gia Định thành thông chí” (Trịnh Hoài Đức biên soạn) ghi rằng: “Chợ này ở bờ phía đông con rạch, có phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu liên tục”.

Chợ Ba Vát ngày nay.

Theo thời gian, địa danh nơi đây dần chìm vào quên lãng khi thương nhân tìm được những đầu mối giao thương thuận tiện hơn. Những bằng chứng về dấu ấn phồn thịnh ở Ba Vát đã được các nhà khoa học, khảo cổ học tìm thấy vào năm 2004.

Di chỉ khảo cổ cảng thị Ba Vát

Năm 2002, tại bờ phía đông sông Ba Vát, trong khi đào vườn, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ Phước Mỹ Trung) đã phát hiện được một hũ sành, trong đó có đựng những đồng tiền mang niên hiệu Gia Long (1802 - 1819) và Minh Mạng (1820 - 1840).

Những di vật được chôn giấu dưới lòng đất của cảng thị cổ được phát hiện ngày càng nhiều, mà chủ yếu là tiền cổ. Năm 2006, người ta lại phát hiện một sưu tập tiền cổ Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản nặng tới 40 kg được chôn trong hai vò sành; trong số này có những đồng tiền mang niên đại rất sớm: tiền Trung Quốc các niên hiệu như Khai Nguyên thông bảo thời Đường (618 - 626), Thái Bình thông bảo thời Tống (976 - 995)…

Đặc biệt là tiền cổ Việt Nam thuộc rất nhiều triều đại: thời Lý có khá nhiều đồng tiền mang các niên hiệu như: Thánh Nguyên thông bảo (1028 - 1054), Thiên Phù nguyên bảo (1120 - 1127), Đại Định thông bảo (1139 - 1175)… cùng những tiền đồng mang niên hiệu các vua Việt Nam thời Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng,

Từ cuối năm 2003, đầu năm 2004, Viện Khảo cổ học cùng với Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bảo tàng Bến Tre đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học.

Đoàn đã đào hai hố khai quật có ký hiệu là 03.BV.H1, 03.BV.H2 và một hố thám sát có ký hiệu 03.BV.TS. Hiện vật thu được là nhiều mảnh gốm cổ, tiền xu có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc.

Dựa vào kết quả khai quật, đoàn khảo cổ đưa ra nhận định: Ba Việt mà nay là Ba Vát vừa là lỵ sở của huyện Tân Minh, vừa là một tiểu cảng thị, phố sá đông đúc, thuyền vào ra tấp nập, được hình thành từ cuối thế kỷ 17, phát triển mạnh vào thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Ba Vát còn là một chợ lớn ven sông, người ta lấy sông làm đường giao thông chính cho nên nhà cửa cũng bám vào mặt sông để tiện lợi cho việc sinh hoạt cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Nơi đây diễn ra các hoạt động thương mại nhộn nhịp, trong đó có vai trò quan trọng của các thương nhân Việt và Hoa. Đến cuối thế kỷ 19 thì Ba Vát mất dần vị trí vốn có của nó.

Ngày nay, Ba Vát chỉ còn vương vấn qua tên chợ, nhà thờ và chiềc cầu sắt bắc qua sông nhỏ cùng tên.

Trần Thái Học   


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.