Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế

20:54, 02/04/2024

Chiều tối 2/4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại hội nghị (ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, thời gian qua, đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế đã được kịp thời thể chế hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động. Nhờ đó, công tác ngoại giao kinh tế  đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Trong 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Trong hai năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác chủ chốt, nâng tổng số đối tác chiến lược toàn diện lên 7 nước.

Hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế được đẩy mạnh sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Các bộ, ngành tiếp tục triển khai 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; chủ động, tích cực tham gia và đóng góp trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng (Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, Mê Kông, G7, G77...), bảo đảm lợi ích quốc gia, ứng xử cân bằng với các đối tác lớn. Cùng với đó, cơ chế phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được đổi mới; công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện ngoại giao kinh tế được tăng cường.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Đánh giá tại hội nghị cho thấy, triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: ngoại giao kinh tế đôi lúc còn thiếu sáng tạo, nhạy bén; công tác nghiên cứu, tham mưu còn chưa theo kịp với diễn biến của kinh tế thế giới; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa kịp thời; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa xứng tầm với khuôn khổ quan hệ; việc khai thác, mở rộng thị trường với đối tác tiềm năng chưa hiệu quả và còn các hạn chế nhất định; giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, tác động đến quan hệ kinh tế thương mại, thu hút đầu tư, thu hút và giải ngân vốn ODA...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh thế giới đặt ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen để công tác ngoại giao kinh tế nắm bắt các xu thế mới, kiến tạo các cơ hội quan trọng để phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, tạo nền tảng quan trọng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Ngành ngoại giao cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.

Đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng, có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng, con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Minh Chi

 


Ý kiến bạn đọc