Multimedia Đọc Báo in

Những đảng viên “hào phóng” với buôn làng (kỳ 4)

08:17, 28/09/2023

Kỳ cuối: Cái tâm của đảng viên Tâm

Hơn 30 năm kinh qua nhiều vị trí công tác tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông), ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã luôn là một cán bộ mẫn cán trong công việc. Đặc biệt, ông là người gần gũi với nhân dân, thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xây những ngôi nhà mơ ước cho người nghèo

Trong căn nhà mới xây khang trang, mẹ con chị H’Bi Anh Byă (buôn Blắk, xã Cư Pui) vui mừng đón khách vào chơi. Gọi là "khách", nhưng với gia đình chị từ lâu đã coi ông Tâm như người trong nhà, bởi ông là ân nhân của gia đình chị. “Không có chú Tâm thì gia đình cháu không biết bao giờ mới có căn nhà xây như thế này”, chị rơm rớm nước mắt nói. “Không phải cảm ơn chú Tâm làm gì, cảm ơn các mạnh thường quân giúp đỡ được rồi, chú Tâm đâu có tiền cho các con, chú Tâm chỉ kêu gọi thôi”, ông Tâm ôn tồn đáp lại.

Chị H’Bi Anh Byă là một trong những gia đình khó khăn được ông Tâm đứng ra kêu gọi xây nhà. Hoàn cảnh của chị vô cùng đáng thương. Năm 2013, sau khi lấy chồng, gia đình cả hai bên đều nghèo, nên lúc ra riêng, hai vợ chồng chỉ được cho một miếng đất để cất cái chòi ở tạm. Chị sinh được ba đứa con thì đứa con đầu không may bị bệnh động kinh, lúc tỉnh lúc mơ dù đã chạy chữa khắp nơi. Năm miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ 5 sào rẫy trồng bắp, sắn, đậu và cà phê. Ngặt nỗi, đất bạc màu nên trồng cây năm được năm mất, may mắn lắm gia đình chị mới kiếm đủ gạo ăn qua ngày. Căn chòi – nơi ở duy nhất của gia đình theo thời gian ngày càng xập xệ thêm. Trời nắng không sao, cứ hễ mưa xuống thì dột trước dột sau, gói gém mãi mới đủ khoảnh nhỏ khô ráo để ba người con chen chúc ngủ, còn hai vợ chồng ngồi co ro ướt nhẹp một góc. Mơ ước lớn nhất của vợ chồng nghèo là có một ngôi nhà kiên cố. Hiểu được hoàn cảnh của anh chị, đầu năm 2023, ông Tâm kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp để xây dựng căn nhà.

Ông Nguyễn Văn Tâm (bìa phải) cùng các mạnh thường quân trao căn nhà mới cho gia đình chị H’Bi Anh Byă (buôn Blắk, xã Cư Pui).

Đến tháng 6/2023, sau một thời gian kêu gọi, các tổ chức, cá nhân đã quyên góp được 95 triệu đồng để xây nhà cho gia đình chị H'Bi. Có được số tiền này, cùng với sự hỗ trợ công sức, tiền bạc của anh em trong gia đình đã giúp anh chị xây dựng được căn nhà khang trang rộng hơn 60 m2, với một phòng khách, hai phòng ngủ và bếp ăn. “Nay có nhà mới rồi, vợ chồng tập trung lo làm nương rẫy để có cái ăn cái mặc, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn nhé!”, ông Tâm dặn dò.

Không riêng gì chị H’Bi Anh Byă, từ năm 2018 đến nay, ông Tâm đã đứng ra kêu gọi xây dựng được khoảng 40 căn nhà cho những người dân nghèo ở xã Cư Pui.

“Ngân hàng bò" cho đồng bào nghèo

 

Ông Nguyễn Văn Tâm bắt đầu tham gia công tác tại xã Cư Pui năm 1990. Giai đoạn 2010 - 2020, ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Cư Pui. Tháng 6/2020, làm Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui. Đến 6/2023, được Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Nhắc đến cơ duyên làm việc thiện cho người nghèo ở xã Cư Pui, ông Tâm nhẹ nhàng chia sẻ: Năm 2011, lúc đó ông đang là Chủ tịch UBND xã Cư Pui - địa phương vùng sâu còn nhiều khó khăn với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số - nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã liên hệ với chính quyền để được hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh, trao tặng thực phẩm, áo quần cho người dân nghèo. Là lãnh đạo địa phương, nhận thấy đây cũng là một “kênh vốn” quý giá để giảm bớt khó khăn cho người dân, ông Tâm xắn tay vào lựa chọn những địa điểm, hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ kịp thời để giới thiệu cho nhà tài trợ. Cũng từ đó, những điểm trường, công trình nước sinh hoạt, cây cầu, quần áo, thực phẩm... đã đến được với bà con nơi đây.

Sau những chương trình kết nối từ thiện, đặc biệt là trao các phần quà bằng lương thực, thực phẩm, ông Tâm nhận thấy việc hỗ trợ bằng hình thức này chỉ giải quyết một số vấn đề trước mắt, về lâu dài không thay đổi được cuộc sống của người dân. Sau khi vắt óc suy nghĩ về một hình thức hỗ trợ nhằm trao “cần câu” cho những hộ nghèo, ông đề xuất ý tưởng với những nhà tài trợ về dự án "bò sinh sản" hỗ trợ cho người nghèo. Trước sự thuyết phục của ông, những nhà tài trợ đã chung tay hỗ trợ triển khai Dự án “Ngân hàng bò cái sinh sản luân phiên” nhằm hỗ trợ các hộ nghèo tại thôn Ea Rớt.

Để dự án được triển khai thành công, ông Tâm lập ra một ban điều hành, tiếp nhận đợt đầu gồm 4 con bò cái sinh sản giao cho 4 hộ nghèo tại thôn. Khi bò sinh sản lứa đầu tiên được 5 tháng tuổi, gia đình giữ lại bê con và chuyển bò mẹ sang cho hộ nghèo khác tiếp tục nuôi. Theo định kỳ, ban điều hành cử người xuống kiểm tra, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò. Dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Từ năm 2017 đến nay, “ngân hàng bò" đã lên đến 100 con, mở rộng sang cả thôn Ea Uôl.

Ông Nguyễn Văn Tâm (thứ hai từ phải sang) và các mạnh thường quân trao bò tặng các hộ dân nghèo.

Năm 2021, anh Thào Xờ Luống (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) may mắn nằm trong danh sách hưởng lợi từ “ngân hàng bò sinh sản” khi được giao cho một con bò mẹ sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, bò mẹ đã mang thai và sinh ra được một con bê. Đến nay, khi con bê tách mẹ, anh đã bàn giao bò mẹ lại cho người khác, còn bê con giữ lại để nuôi. “Trước đây tôi cũng muốn mua con bò để nuôi nhân giống, nhưng không có vốn. Khi biết mình được nhận bò giống, gia đình vui mừng lắm. Bò mẹ khỏe mạnh nên sau hơn một năm chăm sóc, tôi đã có một con bò con để làm vốn rồi !”, anh Luống vui mừng kể.

“Mảnh đất Cư Pui đã gắn bó máu thịt với mình rồi, mình xem bà con ở đây như người thân trong nhà nên chia sẻ, giúp đỡ gì để cuộc sống của họ tốt hơn thì mình sẽ cố gắng hết sức" - ông Nguyễn Văn Tâm.

Đến nay, dù ông Tâm đã được điều động làm Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông, nhưng vào những ngày nghỉ cuối tuần, ông vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy đến từng thôn, buôn gặp gỡ người dân, tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. “Hoàn cảnh của nhiều người dân ở đây hết sức khó khăn, dù bản thân họ muốn nỗ lực vươn lên nhưng không có điều kiện. Mình không có tiền nhưng mình có mối quan hệ với các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân nên cố gắng làm “cầu nối” để giúp đỡ bà con”, ông Tâm chia sẻ.

Chúng tôi xin lấy một lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để khép lại loạt phóng sự này: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Tấm lòng nhân ái, yêu thương và sự hào phóng ở đây đẹp tựa như cánh hoa bồ công anh vờn bay trong gió, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng như câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tâm, anh Bùi Minh Bền, Vũ Xuân Thọ hay những nông dân, đảng viên xã Cư San, huyện M’Drắk.

Vạn Minh - Khánh Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.