Multimedia Đọc Báo in

Giải tỏa “điểm nghẽn” để thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài

09:25, 26/05/2024

Theo Quy hoạch đến năm 2050, Đắk Lắk sẽ có quy mô kinh tế vươn lên nhóm 25 tỉnh thành đứng đầu cả nước.

 Trong vai trò xúc tiến đầu tư cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, chuyên gia LÊ MINH DƯƠNG, Trưởng Đại diện Xúc tiến đầu tư tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có cuộc trao đổi về thu hút đầu tư, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đắk Lắk trong những năm vừa qua. 

Chuyên gia Lê Minh Dương.

♦ Là người theo dõi việc thực hiện các đề án thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, ông đánh giá Đắk Lắk có những lợi thế gì có thể sớm đạt mục tiêu lọt nhóm 25 tỉnh thành có kinh tế đứng đầu cả nước?

Đắk Lắk nằm ở vị trí chiến lược của vùng Tây Nguyên với dân số trên 1,9 triệu người; hệ thống đường bộ, đường hàng không thuận lợi kết nối với các trung tâm kinh tế lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, các tỉnh thành trong Tam giác phát triển “Việt Nam – Lào – Campuchia” và khu vực Mê Kông. Lợi thế này giúp Đắk Lắk mở rộng giao lưu liên kết và hợp tác phát triển kinh tế cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Đây cũng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều nông sản như cà phê, ca cao, tiêu, ngô lai… đứng đầu cả nước; thuận lợi để đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với công nghiệp chế biến sâu, chất lượng cao để xuất khẩu. 

Địa phương có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); lợi thế phát triển du lịch đa dạng và độc đáo, mang tính đặc thù riêng như: các khu du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng “gắn với nông nghiệp”, các tour trekking (đi bộ xuyên rừng), di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... thu hút du khách.

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa mới được Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk sẽ có “4 trụ cột” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (theo những thế mạnh sẵn có), không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, điểm đến yêu thích và đáng sống; TP. Buôn Ma Thuột là đô thị hiện đại, trung tâm “hạt nhân” của cả vùng Tây Nguyên về khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa với những nét độc đáo riêng theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là động lực quan trọng để tăng cường thu hút các dự án đầu tư, nhất là nguồn FDI, tạo sự phát triển “bứt phá” nhanh và bền vững cho tỉnh thời gian đến.

♦ Ông nhận xét như thế nào về kết quả thu hút đầu tư của Đắk Lắk thời gian qua, nhất là vốn FDI?

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thống kê, lũy kế đến nay, tỉnh Đắk Lắk thu hút được 31 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 707,5 triệu USD. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, trong giai đoạn 2021 - 2023 Đắk Lắk thu hút được 57 dự án với số vốn đầu tư đăng ký 29.000 tỷ đồng. Riêng quý I/2024, tỉnh thu hút được 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 192 tỷ đồng, nhưng chỉ có một dự án FDI với vốn đăng ký nhỏ (0,68 triệu USD).

Các dự án đầu tư thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Đắk Lắk đạt mức tăng trưởng khá, thành điểm đến hấp dẫn, tạo sức lan tỏa, kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên.

Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng, lợi thế. Đắk Lắk hiện chỉ chiếm 0,08% số dự án và 0,15% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, xếp vị trí thứ 45/63 tỉnh thành trên cả nước.

Số lượng dự án và vốn FDI vào các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao kết hợp chế biến nông sản; thương mại – dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp… hiện vẫn còn khá ít so với tiềm năng, lợi thế nổi trội của Đắk Lắk. Đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp nhu cầu thị trường, hạ tầng chưa đồng bộ, phát triển; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI lớn có tiềm lực về tài chính, công nghệ mới (hiện đại), thân thiện môi trường.

♦ Vậy theo ông, Đắk Lắk cần tập trung những giải pháp gì để thu hút đầu tư tốt hơn?

Để xóa bỏ những “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong thu hút FDI đối với Đắk Lắk trong thời gian đến, theo tôi, tỉnh cần nỗ lực cao nhất, tập trung vào những giải pháp chủ yếu bao gồm:

Tập trung đầu tư, gọi vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, trong đó gồm hạ tầng các khu công nghiệp, các tuyến cao tốc, giao thông đường bộ và từng bước nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế… nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa cho cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách đến Đắk Lắk. Thực hiện tốt quy hoạch và sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng để  tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.

Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng các kênh trực tuyến ứng dụng công nghệ số và “xúc tiến đầu tư tại chỗ” (nhằm trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng cho doanh nghiệp). Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên nền tảng số (gồm loại bỏ những thủ tục không cần thiết để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp).

Đẩy mạnh hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu của các lĩnh vực trọng điểm cần thu hút FDI, mà còn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư thật chuyên nghiệp và hiệu quả của tỉnh.

♦ Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thạch Tuấn (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.