Multimedia Đọc Báo in

Non nước Cao Bằng (Bài 4 - cuối)

09:26, 26/05/2024

Bài cuối: Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có ba công viên toàn cầu được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, trong đó vùng Đông Bắc có hai là Công viên địa chất toàn cầu (ĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng, và một ở vùng Tây Nguyên là Công viên ĐCTC Đắk Nông. Nói vậy để thấy độ quý hiếm và cảm xúc được nhân lên nhiều lần khi đặt chân đến những nơi này.

Những ngày khám phá Cao Bằng, tôi đã có dịp tìm hiểu về Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng.

Theo giới chuyên môn, công viên địa chất (Geopark) là tổng thể của một khu vực tự nhiên có ranh giới rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, cảnh quan thiên nhiên hài hòa, có giá trị đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa… Hội đủ các yếu tố trên là đã có thể công nhận công viên địa chất cấp quốc gia.

Tuy vậy, nếu xem xét khu vực đó có đủ diện tích và điều kiện để phát triển kinh tế địa phương thông qua việc phát triển du lịch và các hình thức phụ trợ khác thì sẽ được UNESCO xem xét và công nhận là công viên ĐCTC.

Nhũ đá, măng đá trong động Ngườm Ngao có từ hàng trăm triệu năm.

Cũng cần lưu ý, không phải địa phương nào có công viên toàn cầu thì diện tích công viên trùng khít với diện tích của địa phương. Như Công viên toàn cầu ở tỉnh Hà Giang chỉ là phần đất có cao nguyên đá Đồng Văn. Tương tự, Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng chỉ chiếm phân nửa diện tích tỉnh Cao Bằng, xấp xỉ 3.275 km², trải rộng chủ yếu trên phần đất 6 huyện: Hà Quảng, Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Hạ Lang và Trùng Khánh.

Một điều mà ai cũng biết, không cần chuyên môn sâu, đó là, phàm định danh công viên toàn cầu thì chắc chắn là nơi có giá trị khoa học, khảo cổ về địa hình, địa mạo. Những giá trị này có nét đặc sắc, khác biệt để trở thành danh lam, thắng cảnh gần xa biết đến. Non nước Cao Bằng, theo nội hàm đó hoàn toàn đầy đủ. Ai từng đến Cao Bằng mà không trầm trồ trước thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… Tất cả được thiên nhiên nhào nặn, tạo tác, trở thành những kỳ quan say đắm lòng người.

Thác Bản Giốc được xem là một trong những điểm son di sản trong quần thể các di sản thiên nhiên tạo nên Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng.

Còn rất nhiều những điểm di sản – thắng cảnh du lịch nổi tiếng nữa ở Cao Bằng, trong đó có động Ngườm Ngao nằm không xa thác Bản Giốc. Trong tiếng Tày cổ, Ngườm có nghĩa là động, Ngao có nghĩa là hổ, theo lời người xưa nơi đây có nhiều hổ dữ sinh sống.

Cũng có người cho rằng, do tiếng nước chảy réo rắt trong hang sâu, nghe như tiếng hổ gầm gừ nên gọi tên Ngườm Ngao.

Đó là quần thể nhiều hang sâu ăn vào các tầng vỉa của núi đá vôi khổng lồ, lòng hang có nơi rất rộng, sức chứa đến cả vài ba trăm người. Ngườm Ngao có ba cửa chính Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn, tổng chiều dài các lối đi lại trong lòng hang hơn 2 km. Các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy dấu vết của người tiền sử cư trú trong lòng hang vốn có cách đây hơn 400 triệu năm.

Ngườm Ngao được tìm thấy năm 1921, cách đây hơn thế kỷ. Mãi đến năm 1995, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh mới tiến hành khảo sát và công bố giá trị to lớn của Ngườm Ngao. Tôi phải mất hơn tiếng đồng hồ để khám phá Ngườm Ngao, vừa đi vừa nhìn ngắm và choáng ngợp trước hình thù kỳ dị, muôn hình vạn trạng của các nhũ đá, măng đá. Du khách gần như ai cũng choáng ngợp trước sức mạnh và sự siêu việt của tạo hóa…

Dãy núi biên giới Việt - Trung là một phần của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Tôi không có chuyên môn về địa lý, địa chất, chỉ mang trong mình cảm xúc trước vẻ đẹp và những di sản, danh thắng du lịch được xem là kiệt tác thiên nhiên ở Cao Bằng. Ngoài thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, còn có hồ Thang Hen, rừng núi đá vôi Phia Oắc, Phia Đén…, tất cả đều để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ địa lý – địa chất Lê Văn Thăng cho biết: Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng có cả thảy hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo gồm núi đá, sông hồ, hang động, sông ngầm... Giá trị khoa học nằm ở chỗ, qua đó người ta thấy được một chu kỳ tiến hóa hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới phía bắc Việt Nam, gắn liền với lịch sử phát triển địa chất có từ 500 triệu năm trước đến nay, ở vùng đất này.

Tạm biệt Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng, tôi mang theo những hình ảnh của một vùng núi non biên viễn. Mỗi bước chân tạm biệt nơi này, lòng tôi lại ngân vang câu ca xưa giăng mắc nỗi niềm: Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Chắc hẳn rồi, tôi sẽ trở lại nơi này, để nghe lòng vui như trẩy hội…

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.