Multimedia Đọc Báo in

Từ Quy định số 205 đến Quy định số 114: Siết chặt kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

08:28, 04/08/2023

Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế thừa những kết quả, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, bất cập qua 3 năm triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 114-QĐ/TW, trong đó rà soát, bổ sung chặt chẽ, toàn diện về hành vi, trách nhiệm, xử lý vi phạm, thể hiện quyết tâm cao độ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Khắc phục dần tình trạng lạm quyền

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, sau 3 năm thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã từng bước khắc phục.

Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk nghe quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới. Các đơn vị, địa phương đã thí điểm đổi mới tuyển chọn 438 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng; tiến hành luân chuyển, điều động gắn với việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 9.100 cán bộ; tổ chức 1.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; đề xuất không xem xét đối với 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhận chức danh có liên quan để điều động, bố trí chức danh khác phù hợp; xử lý kỷ luật nhiều trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ theo Quy định số 205.

 

“Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 114. Ban Tổ chức Trung ương đang nghiên cứu sớm có quy định về thẩm quyền người đứng đầu trong công tác cán bộ, quy định đối với cán bộ trẻ, có năng lực vượt trội, quy định về phát hiện, sử dụng, bố trí nhân tài nhằm đưa công tác cán bộ ngày càng thực chất và tiến bộ hơn” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính khẳng định: Quy định số 205 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực

Mặc dù việc triển khai Quy định số 205 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung, dân chủ; vẫn còn tình trạng bổ nhiệm người thân, người có quan hệ gia đình, gây bức xúc dư luận. Hơn nữa, một số nội dung trong Quy định số 205 chưa được cụ thể hóa, còn bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Chính vì vậy, để bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ XII, XIII về công tác cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023  về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 205 và bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, sát với tình hình thực tiễn.

Theo đồng chí Mai Văn Chính, Quy định số 114 có nhiều nội dung mới, bao quát, toàn diện hơn, giải thích rõ thế nào là quyền lực trong công tác cán bộ và mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trách nhiệm kiểm soát quyền lực và xử lý vi phạm trong công tác cán bộ. Đồng thời, Quy định 114 đã chỉ rõ, cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.

Điểm mới, nổi bật trong Quy định số 114 là nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát. Quy định  cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Cũng trong quy định này, một số chế tài xử lý trách nhiệm khi vi phạm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của cá nhân, tập thể cũng như xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã được cập nhật, đồng bộ với Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc