Multimedia Đọc Báo in

Liên hiệp quốc quan ngại về những tác động nghiêm trọng đối với người dân

19:52, 15/06/2017

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 14-6, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng của việc các nước láng giềng cô lập Qatar, đồng thời cảnh báo nguy cơ người dân phải gánh chịu những hậu quả từ vụ việc này. 

Trong một tuyên bố, ông Al Hussein đã bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng có thể có đối với vấn đề nhân quyền của nhiều người khi các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar. Ông nhận định các biện pháp được những nước trên áp dụng trong việc trừng phạt Qatar rõ ràng là "quá rộng cả về quy mô lẫn cách thức thực hiện".

Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 7-6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 7-6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan chức Liên hiệp quốc cảnh báo động thái trên có thể tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân, chỉ đơn giản bởi vì họ thuộc quốc tịch của một trong những quốc gia liên quan đến mối bất hòa trên. Ông cho biết đã nhận được những báo cáo về việc một số cá nhân cụ thể được hướng dẫn phải rời khỏi đất nước nơi họ đang cư trú, hay bị chính phủ của nước mình yêu cầu hồi hương.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arab và vùng Vịnh với Qatar cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số gia đình đa quốc tịch và con cái họ, cũng như các sinh viên du học. 

Trước những hậu quả không mong muốn trên, ông Al Hussein hối thúc tất cả các bên liên quan nhanh chóng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và kiềm chế mọi hành động có thể ảnh hưởng đến sự thịnh vượng, sức khỏe, việc làm và đời sống của người dân.

Cộng đồng quốc tế và các cường quốc lớn cũng đang nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh bằng con đường ngoại giao.

Tờ The Washington Post vừa tiết lộ rằng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang cố gắng để tổ chức một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar và Thái tử Abu Dhabi tại Washington trong tuần này để giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, cơ hội để tổ chức cuộc gặp này rất khó bởi ba bên vẫn chưa sẵn sàng. Trước đó, trong cuộc gặp tại Washington ngày 14-6, Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Adel al-Jubeir đã thống nhất rằng các bên liên quan cần phải ngồi vào bàn đàm phán giải quyết những bất đồng, đồng thời bày tỏ lạc quan giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng sẽ qua.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết sẽ tới Qatar và sau đó tới Saudi Arabia nếu có thể với hy vọng chấm dứt khủng hoảng giữa Qatar và các nước Arabia, vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao. Ông Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh rằng Quốc vương Salman bin Abdul Aziz của Saudi Arabia là người duy nhất có khả năng giải quyết khủng hoảng hiện nay.

Theo các nguồn tin khu vực, Tổng thống Pháp Emmanuel cũng sẽ sớm có cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo các nước vùng Vịnh nhằm tìm giải pháp giảm bớt sự căng thẳng hiện nay và vì sự ổn định và an ninh ở vùng Vịnh.

Trước đó, vào ngày 13-6, Đại sứ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef Al Otaiba tuyên bố, các nước Arab không tính đến việc sử dụng giải pháp quân sự để chống lại Qatar, song nhấn mạnh sẽ gia tăng các sức ép kinh tế.  

Trong một tuyên bố khá bất ngờ, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 13-6 “dịu giọng” với Qatar nhấn mạnh rằng, nước này không áp đặt "phong tỏa" đối với Qatar bằng việc đóng cửa biên giới và cấm các hãng hàng không Qatar vào không phận Saudi Arabia. Ông Adel al-Jubeir cũng khẳng định, Saudi Arabia sẵn sàng hỗ trợ thực phẩm và y tế tới Qatar nếu cần thiết: “Qatar có thể tự do đi lại. Các cảng và sân bay được mở. Biên giới giữa hai nước chỉ là trên bộ, và quyết định đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways chỉ ảnh hưởng đến các máy bay của riêng hãng này. Đây là hành động hoàn toàn hợp lý" và thuộc "chủ quyền" của Saudi Arabia”.

Hàng hóa được bày bán tại chợ ở Doha, Qatar ngày 10-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hàng hóa được bày bán tại chợ ở Doha, Qatar ngày 10-6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới quan sát nhận định, những nỗ lực hòa giải để tìm ra giải pháp khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh dường như đang phức tạp hơn với những tín hiệu không rõ ràng từ chính quyền Mỹ - một đồng minh với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích mối quan hệ của Qatar với khủng bố, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại thúc đẩy nỗ lực để giảm căng thẳng.

Một chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu chính sách tại Mỹ Sanam Vakil nhận định, cả Qatar và một phía do Saudi Arabia dẫn đầu đang tập trung vào lập trường của Mỹ. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng khó có thể đưa ra một lập trường ràng về việc nên cô lập Qatar hay thúc đẩy đối thoại giữa các nước Vùng Vịnh.  Nhận định về điều này, ông Sanam Vakil cho rằng, Tổng thống Donald Trump đang muốn đứng về phía Saudi Arabia và các đồng minh, nhưng vẫn kiềm chế để  bảo đảmbất đồng này không leo thang, có thể dẫn tới nguy cơ xung đột kéo dài.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới. Qatar  nước sản xuất khí heli lớn thứ hai thế giới, đã buộc phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất heli vì biện pháp kinh tế mà các nước Arab tại vùng Vịnh áp đặt.

Theo các chuyên gia, trước mắt tác động đến thị trường heli toàn cầu chưa lớn bởi các nước tiêu thụ có thể sử dụng các kho dự trữ và tìm các lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, việc vận chuyển qua đường biển sẽ tốn kém hơn nhiều và nếu căng thẳng ngoại giao hiện nay kéo dài một tháng hoặc hơn, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc