Multimedia Đọc Báo in

Nước Anh có nguy cơ đối mặt với những bất ổn chính trị

21:37, 10/06/2017
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10-6 triệu tập cuộc họp Nội các đầu tiên kể từ khi kết quả bầu cử được công bố, với việc đảng Bảo thủ cầm quyền mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội.
 
Đây là một phần trong nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ Anh nhằm giành lại thế chủ động trong nước, 9 ngày trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về việc rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit.
 
Đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, Thủ tướng Anh Theresa May mong muốn tập hợp những người ủng hộ ngay trong những ngày cuối tuần này. Trước đó, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng thông báo thành lập chính phủ mới để dẫn dắt tiến trình Brexit bất chấp thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 8-6. 
 
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước những người ủng hộ ở Birmingham. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước những người ủng hộ ở Birmingham. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong danh sách Nội các mới được bà Theresa May công bố hôm 9-6, một điều dễ nhận thấy là toàn bộ các nhân vật chủ chốt, những người được xem là thân tín với bà trong chính phủ tiền nhiệm đều được giữ lại như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Brexit David Davis, Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd hay Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon.

Ngay trong ngày 9-6 bà cũng đã tới điện Buckingham để tranh thủ sự ủng hộ của Nữ hoàng Elizabeth II. 
 
Đứng đầu một chính phủ thiểu số, bà Theresa May từ nay sẽ phải phụ thuộc vào đảng Thống nhất Dân chủ (DUP), một đảng nhỏ với khoảng 10 ghế tại Quốc hội, để có thể giành được ưu thế tương đối. Đây là kết quả ngoài ý muốn bởi cách đây gần 2 tháng, bà Theresa May đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn với niềm tin chắc chắn bà sẽ giành được thế đa số tuyệt đối.
 
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, được xem là ngôi sao của cuộc bầu cử lần này đã kêu gọi bà Theresa May từ chức. Ông khẳng định tiến trình rời Liên minh châu Âu vẫn cần được tiếp tục và Công đảng sẵn sàng dẫn dắt tiến trình này. “Thủ tướng đã kêu gọi cuộc bầu cử này vì bà ấy muốn có một  nhiệm kỳ rõ ràng. Song thực tế là đảng Bảo thủ đã bị mất ghế tại Quốc hội, mất phiếu bầu, mất sự ủng hộ và sự tự tin. Tôi nghĩ điều này là quá đủ, chúng ta cần mọt chính phủ thực sự có thể đại diện cho tất cả người dân của đất nước”, ông Corbyn nói.
 
Với kết quả không đảng chính trị nào giành đủ 326 ghế quá bán tại Hạ viện gồm 650 ghế, Anh có nguy cơ đối mặt với bất ổn chính trị và một tương lai ảm đạm trong quá trình phán rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
 
Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit, bởi bà cho rằng việc đảng Bảo thủ chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại hạ viện như trước đây khiến tiến trình đàm phán Brexit bị đe dọa. Song kết quả bầu cử lần này lại là bước “thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất hơn 10 ghế so với kỳ bầu cử trước.
 
Trong khi đó, dù chỉ về thứ hai, song Công đảng lại thắng lợi lớn với việc tăng thêm hơn 30 ghế.
 
Với kết quả này, rõ ràng sự tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất tại Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm bà May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm.
 
Vào thời điểm đó, đảng Bảo thủ được tin tưởng sẽ dễ dàng thắng áp đảo để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Tới tận cuộc bầu cử địa phương đầu tháng 5 vừa qua, đảng Bảo thủ vẫn chiến thắng vang dội, khiến bà May càng tự tin vào quyết định của mình. Tuy nhiên, 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong vòng 2 tháng, trong đó có 2 vụ ngay tại London, thậm chỉ vụ mới nhất xảy ra chỉ 5 ngày trước cuộc tổng tuyển cử, được xem là một trong những nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tại Anh.
 
Dù từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, song bà May vẫn bị chỉ trích là đã không đưa ra được những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Điều này khiến cử tri Anh dần mất lòng tin vào Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền.
 
Từ mức chênh lệch cao kỷ lục 21% hồi cuối tháng 4, khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đã dần thu hẹp, và tới sát thời điểm bầu cử, kết quả thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng khoảng 3%.
 
Đúng là "chơi dao dễ có ngày đứt tay". Kết quả ngoài dự đoán của cuộc bầu cử hạ viện đã giáng "một đòn đau" vào uy tín của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền. 
Thủ tướng Anh Theresa May (trên, trái), Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (trên, phải), Thủ hiến Scotland đồng thời là Lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland Nicola Sturgeon (dưới, trái) và Lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Tim Farron. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (trên, trái), Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (trên, phải), Thủ hiến Scotland đồng thời là Lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland Nicola Sturgeon (dưới, trái) và Lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Tim Farron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay khi kết quả sơ bộ còn chưa được công bố, hàng loạt ý kiến chỉ trích của giới chính trị Anh đã nhằm vào bà May, thậm chí còn đề cập tới việc bà phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực.

Cục diện quốc hội "treo" cũng sẽ chắc chắn tác động tiêu cực tới tiến trình đàm phán Brexit. Chính sách đàm phán mà bà May đang theo đuổi sẽ khó được duy trì khi đảng Bảo thủ không có đủ sức mạnh tại Quốc hội, trong khi việc thống nhất quan điểm chung giữa các đảng phái cho quá trình Brexit vốn đã khó khăn nay sẽ càng khó khăn hơn.
 
Rõ ràng chính phủ mới sẽ chịu áp lực về thời gian để công bố sớm nhất nội dung đàm phán, vấn đề gây tranh cãi gay gắt kể từ khi Anh chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.
 
Kết quả bầu cử quốc hội ở Anh cũng gây tâm lý lo ngại cho giới chức EU. Những quan chức hàng đầu EU lo ngại tiến trình đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, đồng thời sẽ không đạt hiệu quả khi đối tác đàm phán là một “đại diện yếu và không có khả năng hành động.
 
Thủ tướng Anh đã thất bại trong “canh bạc” của chính mình. Những "nước cờ" tưởng chừng được tính toán kỹ và được cho là "khôn ngoan" của bà May đã bị những yếu tố khách quan không lường trước làm cho chệch hướng.
 
Không đảng nào giành thể đa số tại Hạ viện đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp này tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể "toàn tâm toàn ý" tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU. Chính trường Anh lại một lần nữa trải qua những bất ổn và xáo trộn như 1 năm trước, khi cử tri nước này chọn con đường rời EU.
 
Hồng Hà ( Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc