Multimedia Đọc Báo in

Các thành viên EU chia rẽ trong vấn đề viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ

17:03, 30/11/2015

Ngày 29-11 tại thủ đô Brussels (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu- Thổ Nhĩ Kỳ, thảo luận về vấn đề nhập cư.

Tuy nhiên trước thềm cuộc gặp, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn còn chia rẽ về những nhượng bộ chính trị và tài chính có thể dành cho Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Hội nghị được đánh giá sẽ "không dễ dàng" trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa đẩy EU vào tình thế khó xử khi không quân nước này bắn hạ một máy bay Su-24 của Nga ở biên giới với Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) bắt tay Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trươc thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) bắt tay Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trươc thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters

Tham dự cuộc gặp có lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ AAhmet Davutoglu. Mục đích là nhằm thông qua bản kế hoạch hành động đã được Ủy ban châu Âu đàm phán trước đó với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra một loạt những cam kết của cả hai phía, trong đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ phải tăng cường kiểm soát biên giới với Liên minh châu Âu và đồng ý giữ lại những người nhập cư bất hợp pháp tại nước này để đổi lại nhận được những hỗ trợ về tài chính và chính trị của Liên minh châu Âu.

Cuộc gặp cũng là nhằm hiện thực hóa cam kết hỗ trợ 3 tỷ Euro của Liên minh châu Âu dành cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giải quyết vấn đề người tị nạn. Kể từ đầu năm tới nay, hơn 700.000 người di cư đã tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và bản thân quốc gia này cũng đang phải tiếp nhận hơn 2 triệu người di cư và xin tị nạn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng, những đề xuất của châu Âu vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của nước này, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu làm nhiều hơn nữa để chia sẻ gánh nặng nhập cư. “Chúng tôi có thể tiếp nhận được bao nhiêu người nhập cư, trong khi hiện đã phải tiếp nhận tới 2 triệu rưỡi người tị nạn. Con số này có thể tăng lên bao nhiêu? Chúng tôi mở cửa cho người tị nạn trong khi vẫn đang phải đối phó với 2 triệu rưỡi người tị nạn khác, trong khi châu Âu lại hoảng sợ khi mới tiếp nhận 200.000 hay 300.000 người tị nạn. Khoảng cách giữa họ và chúng tôi là rất lớn. Vì thế cơ hội tài chính của họ tốt hơn nhiều so với chúng tôi”, ông Erdogan nói.

Hội nghị cấp cao này không chỉ là vì Liên minh châu Âu, vốn đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do cuộc khủng hoảng nhập cư, mà còn là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ lấy lại đà cho tiến trình xin gia nhập Liên minh châu Âu. Bằng cách tiếp nhận nhiều hơn nữa người di cư hoặc hạn chế tới châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mất cơ hội để nhận được những thành quả chính trị từ sự hợp tác này, đặc biệt là nhằm tiến tới gia nhập Liên minh châu Âu, vốn gặp nhiều trắc trở do những vấn đề liên quan tới đảo Síp và những nhạy cảm với quốc gia có hơn 95% dân số theo đạo Hồi này.

Tuy nhiên, cuộc gặp lại được dự báo là không mấy dễ dàng dù cả hai bên đều rất cần nhau. Cho tới trước thềm hội nghị, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa thể thống nhất được những nhượng bộ về chính trị và tài chính có thể dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, tại hội nghị lần này, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu có thể sẽ không quyết định vấn đề hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban châu Âu đã đề xuất trích 500 triệu Euro từ ngân quỹ của Liên minh châu Âu và yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp phần còn lại, song không nhận được sự nhất trí từ các thành viên.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: aa.com.tr)
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: aa.com.tr)

Có thể nói, Liên minh châu Âu thực sự đang ở thế lưỡng nan, giữa một bên là Nga, quốc gia có vai trò quan trọng trong liên minh chống IS mà khối này đang thúc đẩy, với một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chìa khóa trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang đặt châu Âu trước những thách thức chưa từng có.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Văn phòng báo chí Điện Kremlin tối 28-11 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sắc lệnh áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ theo danh sách do Chính phủ Liên bang Nga quy định. Để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, bảo vệ công dân Nga trước các hành vi hình sự và trái pháp luật, sắc lệnh cũng quy định cấm hoặc hạn chế các tổ chức thuộc thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một số công việc trên lãnh thổ Liên bang Nga. Cấm người tuyển dụng tại Liên bang Nga từ 1-1-2016 sử dụng công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Sắc lệnh cũng quy định chấm dứt chế độ miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ từ 1-1-2016, yêu cầu các công ty lữ hành và đại lý du lịch ngừng thực hiện các sản phẩm du lịch đưa công dân Liên bang Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Liên bang Nga cũng được lệnh thông qua các biện pháp để cấm các chuyến bay thuê giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sắc lệnh của Tổng thống Putin đồng thời chỉ thị cho Chính phủ Nga thắt chặt kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát cảng và đảm bảo an toàn giao thông cảng biển ở lưu vực Biển Azov và Biển Đen.

Cũng ngày 28-11, trong một động thái làm gia tăng căng thẳng quan hệ song phương với Moskva sau vụ bắn hạ máy bay Su-24, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến cáo người dân nước này nên hoãn các chuyến đi không cấp thiết tới Nga. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, sau những khó khăn mà du khách Thổ Nhĩ Kỳ và công dân nước này đối mặt ở Nga, chính phủ khuyến cáo người dân nên ngừng tất cả các chuyến đi không cấp thiết tới nước này “cho tới khi tình hình rõ ràng hơn”.

H.T (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)


 


Ý kiến bạn đọc