Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc COP 21: Những kỳ vọng và rào cản

16:37, 30/11/2015

Ngày 29-11, tại Paris (Pháp) đã khai mạc Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 21).

Hội nghị bắt đầu sớm hơn một ngày, thay vì bắt đầu vào ngày 30-11 theo kế hoạch, với các phiên thảo luận về những vấn đề kỹ thuật do các nhóm chuyên gia tiến hành nhằm tận dụng quỹ thời gian để sớm hoàn tất các cuộc đàm phán, cho phép các bên tham dự Hội nghị ký kết một thỏa thuận đầy tham vọng về khí hậu nhằm cứu Trái Đất khỏi các thảm họa thiên nhiên. Tuy vậy, lễ khai mạc chính thức vẫn diễn ra sáng 30-11 theo đúng kế hoạch với sự có mặt của 147 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng 196 đoàn đại biểu gồm 195 nước và Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, nước này đã triển khai gần 11.000 cảnh sát để bảo vệ Hội nghị COP21 trong đó 8.000 cảnh sát và hiến binh đã được điều tới các trạm kiểm soát biên giới, ngoài ra 2.800 nhân viên an ninh được triển khai tại khu vực trung tâm hội nghị ở Le Bourget, phía Bắc thủ đô Paris. Trên toàn lãnh thổ, 120.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân sẽ được huy động, chương trình chống khủng bố Vigipirate được thực hiện ở mức cao nhất. Trong trung tâm Paris, công tác bảo vệ các đại sứ quán và các khách sạn lớn, nơi nghỉ của lãnh đạo các nước cũng được tăng cường. Chỉ riêng công việc này cũng cần huy động 6.300 nhân viên an ninh các loại.

Cảnh sát Pháp tuần tra trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris ngày 16-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát  Pháp tuần tra trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris ngày 16-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cũng trong tình trạng khẩn cấp, nhà chức trách Pháp đã cấm các hoạt động tuần hành về vấn đề khí hậu tại Paris nhằm tránh những sự cố có thể xảy ra trong bối cảnh an ninh bất ổn. Cụ thể, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm người dân tham gia hai cuộc tuần hành do tổ chức Coalition Climat 21 tập hợp 130 tổ chức, hiệp hội của xã hội dân sự dự kiến diễn ra tại Paris và một số thành phố khác của Pháp vào ngày 29-11 và 12-12, trước và sau thời điểm diễn ra hội nghị COP21. Trước quyết định cấm, các tổ chức xã hội dân sự đã cáo buộc chính quyền Pháp lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để hạn chế các cuộc tuần hành hòa bình phản đối việc xây dựng các công trình hạ tầng gây ô nhiễm làm tăng lượng khí thải nhà kính cũng như những hành động do con người gây ra dẫn tới biến đổi khí hậu.

COP 21 là hội nghị quốc tế lớn nhất về biến đổi khí hậu của thế giới. Không chỉ lớn về quy mô, Hội nghị này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nó được trông đợi sẽ thông qua được một thỏa thuận mới, thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020. Đây là mục tiêu tối thượng và là điều mà tất cả các Hội nghị COP kể từ năm 2009 ở Copenhagen đã thất bại và không đạt được. Các cuộc đàm phán đã bế tắc suốt vài năm qua, qua các Hội nghị COP ở Durban 2011, Doha 2012, Varsava 2013 và Lima 2014.

Vì thế, tất cả các bên tham dự COP đều đang tìm mọi cách để nghị định thư mới đó được ra đời năm 2015 này tại Paris. Đó sẽ là một Nghị định thư mới có tính chất ràng buộc pháp lý với tất cả 195 nước và sẽ được đi vào áp dụng kể từ năm 2020. Mục tiêu của khung pháp lý mới này là sẽ hạn chế được việc Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với kỷ nguyên tiền công nghiệp hóa. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về thay đổi khí hậu đã ước tính rằng nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 0,85 độ C kể từ năm 1880 và sẽ tăng từ 0,3-4,8 độ C từ nay đến cuối thế kỷ 21, tức là năm 2100 do tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cái đích mà một khung pháp lý mới hướng tới là làm sao để con số này không tăng quá 2 độ C.

Hiện đang có những thay đổi lớn về nhận thức của các doanh nghiệp lớn trên quy mô toàn cầu về những cam kết của họ đối với vấn đề biến đổi khí hậu. 6 tháng trước khi diễn ra COP 21 thì hồi tháng 5 năm nay ở Paris cũng đã có một Hội nghị lớn quy tụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới để bàn thảo về vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đã có những cam kết quan trọng, chẳng hạn các tập đoàn như General Motors, Google, Amazon hay Apple đã ký các thỏa thuận quan trọng về việc cung cấp các nguồn năng lượng tái chế.

Mục tiêu trong tương lai là các thỏa thuận như thế sẽ được ký bởi 100% các tập đoàn lớn. Về tổng thể, đã có sự thay đổi rất tích cực từ phía các doanh nghiệp toàn cầu với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này đến từ hai lý do chính. Một, là trước kia các doanh nghiệp thường chờ đợi các cam kết chính trị rồi mới hành động, nên nếu các chính phủ không làm gì thì họ cũng không làm. Nhưng nay thì các chính phủ đã đưa ra rất nhiều cam kết. Một tuần trước COP 21, theo thông báo từ Liên hiệp quốc thì 170 nước, chiếm 90% trong tổng số 195 nước đã gửi bản cam kết “đóng góp quốc gia” cho Liên hiệp quốc, trong đó nêu ra các cam kết cụ thể của nước mình. Vì thế, khi chính phủ thay đổi thì các doanh nghiệp cũng thay đổi theo. Nguyên nhân thứ hai, đó là ý thức của các doanh nghiệp về lợi ích chung của xã hội đã tăng lên. Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng nếu đầu tư vào công nghiệp xanh thì họ vừa phát triển bền vững, vừa thu được lợi nhuận. Tất cả những điều này khiến nhiều doanh nghiệp cam kết và hành động nhiều hơn cho vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên vẫn không ít những rào cản. Rào cản lớn nhất, chính là chia rẽ giữa các nước về trách nhiệm hành động và đóng góp của từng nước. Các nước nhỏ, chưa phát triển cho rằng việc gây ô nhiễm chủ yếu là do các nước công nghiệp lớn gây ra nên các nước này phải đóng góp nhiều hơn. Trung Quốc hiện là nước gây ô nhiễm nhất đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Ấn Độ đứng thứ 3. Vì vậy, các nước nhỏ và có mức độ công nghiệp hóa thấp cho rằng các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ phải có trách nhiệm chính. Chưa kể, giữa những nước công nghiệp với nhau cũng có những tranh cãi, bất đồng. Chẳng hạn EU cam kết từ nay đến năm 2030 giảm đến 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990, trong khi Mỹ chỉ cam kết từ 26-28% mức giảm so với năm 2005. Đây thực sự là những tranh cãi rất phức tạp và các bên phải đàm phán với nhau rất nhiều mới có thể đưa ra được con số mà tất cả đều chấp nhận bởi các nước, bên cạnh trách nhiệm bảo vệ môi trường, thì cũng có quyền theo đuổi các chiến lược phát triển của riêng mình.

Một rào cản lớn nữa là mục tiêu đặt ra. Một số nước cho rằng mục tiêu không tăng quá 2 độ C là phù hợp, một số nước khác, nhất là các đảo quốc hoặc các quốc gia ven biển, lại cho rằng mục tiêu phải là không tăng quá 1,5 độ C bởi các nước này lo ngại trái đất nóng lên sẽ làm tan băng ở hai địa cực, khiến mực nước biển dâng cao và đe dọa lãnh thổ của họ. Lo ngại này là có thật, ví dụ như các đảo quốc như Maldives nhiều khả năng sẽ chìm phần lớn lãnh thổ dưới mực nước biển trong vài chục năm tới với đà tăng nhiệt của Trái Đất như hiện nay.

Tài chính cũng là một trong những vấn đề quan trọng và thu hút sự chú ý nhất tại COP 21. Tại Hội nghị ở Copenhagen năm 2009, các nước đã cam kết cho đến năm 2020 sẽ huy động được 100 tỷ USD cho Quỹ hành động chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo tính toán của OECD vào năm 2014 thì con số này mới đạt được ở mức 61,8 tỷ USD. Còn đến tháng 11 năm nay thì Quỹ xanh cho khí hậu, một cơ chế do Liên hiệp quốc lập ra, mới nhận được 6 tỷ USD so với hứa hẹn 10 tỷ USD cho giai đoạn 2015-2018. Chắc chắn sức ép đóng góp tài chính nhiều hơn cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ dồn rất lớn lên các nước công nghiệp lớn đang bị quy kết là những nước gây ô nhiễm chính, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Nhiều người còn lo ngại các tranh cãi về đóng góp tài chính có thể sẽ khiến COP 21 thất bại hoặc đi chệch hướng bởi nếu nỗ lực huy động 100 tỷ USD thất bại thì rất nhiều khả năng các nước phía Nam, vốn là các nước nghèo và được hưởng lợi từ các chương trình hành động này, sẽ khó có thể đưa ra các cam kết tiếp theo sau năm 2020.

H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc