Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu triển khai chính sách "sàng lọc người nhập cư theo quốc tịch"

18:01, 26/11/2015

Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, châu Âu đã chuyển hướng từ thương cảm và hỗ trợ nhân đạo sang thắt chặt an ninh đối với người nhập cư.

Một số nước Balkan, mặc dù chỉ là con đường trung chuyển của những người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi vào các nước châu Âu giàu có, song cũng đã bắt đầu thực thi chính sách “sàng lọc theo quốc tịch”, một quyết định chắc chắn sẽ vấp phải nhiều tranh cãi.

gười dân châu Âu không còn muốn giơ tay giúp đỡ người nhập cư sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Ảnh Teleghraph
Người dân châu Âu không còn muốn giơ tay giúp đỡ người nhập cư sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Ảnh Teleghraph

Trước làn sóng người nhập cư và tị nạn ngày càng vượt tầm kiểm soát, Slovenia, một nước thuộc Không gian tự do đi lại Schengen mới đây đã quyết định thực hiện chính sách sàng lọc người nhập cư theo quốc tịch, chỉ cho phép những người chạy trốn xung đột Syria, Iraq và Afghanistan qua biên giới nước này. Croatia, Serbia và Macedonia sau đó cũng theo gót Slovenia, khiến hàng nghìn người nhập cư bị dồn ứ tại các trại tị nạn ở biên giới, nơi điều kiện sống đang ngày một khắc nghiệt do mùa đông tới gần.

Quyết định của các nước Balkan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Liên hiệp quốc. Tổ chức này cho rằng, việc sàng lọc những hồ sơ xin tị nạn trên cơ sở quốc tịch là vi phạm quyền của tất cả mọi người được yêu cầu xin tị nạn, không phụ thuộc vào quốc tịch. Đồng thời, Liên hiệp quốc hối thúc tất cả các nước trong khu vực hành động với “sự cảm thông, đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm”. Người phát ngôn Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn Adrian Edwards nhấn mạnh: “Một tình hình nhân đạo mới đang phát triển ở châu Âu và cần được quan tâm khẩn cấp. Những hạn chế mới chủ yếu liên quan tới việc lựa chọn người nhập cư trên cơ sở quốc tịch đang được thực hiện tại một số nước. Đây là một sự vi phạm quyền của tất cả mọi người được xin tị nạn, không phân biệt quốc tịch và được yêu cầu trường hợp cá nhân của họ được lắng nghe”.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới sau khi nước láng giềng Thụy Điển đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát đường biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư tiếp tục đổ về. Na Uy sẽ đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát biên giới ở tất cả các bến phà đến từ Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, đồng thời tăng cường kiểm soát dọc các cửa khẩu biên giới vào Na Uy bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 26-11 (theo giờ địa phương). Thủ tướng Solberg đã chỉ thị Bộ trưởng Tư pháp Anders Anundsen chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp trên, bao gồm hoạt động kiểm tra giấy tờ tùy thân, các tuyến xe buýt và tàu hỏa tới Na Uy. Với các biện pháp này, chính quyền Oslo hy vọng có thể hạn chế số lượng người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ.

Na Uy đưa ra các biện pháp mới này sau khi Thụy Điển tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới, nguy cơ đẩy dòng người di cư chuyển hướng ồ ạt tới Na Uy. Trước đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven thông báo nước này không đủ khả năng tiếp nhận số người di cư ở mức cao như trước nữa và tuyên bố thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao gồm kiểm soát biên giới, siết chặt quy chế công dân và đoàn tụ gia đình. Theo ước tính, có khoảng 19.000 người tìm kiếm tị nạn đã tới các khu vực biên giới của Thụy Điển từ đầu năm tới nay.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman ngày 24-11 nhấn mạnh mối quan hệ giữa làn sóng người di cư nước ngoài và nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố trong nước. Theo dó, trong cuộc họp của Bộ Tư lệnh Tối cao Quân đội Cộng hòa Séc, ông Zeman đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố tiến sát biên giới Séc cùng với dòng người di cư. Theo ông, các tay súng cực đoan hoàn toàn có thể trà trộn trong người di cư để vào Séc, do vậy ông yêu cầu cơ quan chức năng Séc nhanh chóng giải quyết vấn đề nhập cư trái phép

Hoàn toàn dễ hiểu khi người châu Âu chuyển hướng từ thương cảm và hỗ trợ nhân đạo sang thắt chặt an ninh với người nhập cư, nhất là sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris đêm 13-11, với việc phát hiện ra một tấm hộ chiếu Syria xin tị nạn tại Hy Lạp bên cạnh thi thể một tay súng.

Người di cư từ Liberia, Maroc, Pakistan, Sri Lanka và Sudan tại khu vực Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 19-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư từ Liberia, Maroc, Pakistan, Sri Lanka và Sudan tại khu vực Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 19-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vốn luôn mâu thuẫn kịch liệt và chia rẽ sâu sắc trong các cuộc tranh cãi nảy lửa về chính sách di cư, châu Âu nay lại càng đau đầu khi đối diện với lựa chọn khó khăn hơn: Nên tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa với những con người di cư đáng thương để rồi mạo hiểm đón cả khủng bố, hay là đóng chặt cửa, phớt lờ nỗi đau của đồng loại? Tuy nhiên, đóng chặt cửa với những người Syria chạy trốn chiến tranh liệu có phải là một giải pháp? Bởi vụ tấn công tại Pháp vừa qua cũng một lần nữa cho thấy những lỗ hổng an ninh rõ ràng ở châu Âu. Trên thực tế, mỗi ngày có tới hàng nghìn người tị nạn tới các đảo của Hy Lạp và theo quy định, mỗi người đều phải đăng ký trước khi vào đất liền. Tuy nhiên, quy trình đăng ký chỉ mang tính thủ tục hình thức. Và dù ngay cả khi chính phủ nước này đã siết chặt các quy định, với việc yêu cầu mỗi người mới đến đều phải được lấy dấu vân tay, song các quan chức Hy Lạp cũng không đủ nguồn lực để đánh giá xem người di cư có liên hệ với nhóm khủng bố nào hay không.

Trong bối cảnh đó, nếu một tên khủng bố muốn vào châu Âu qua Hy Lạp, hắn sẽ làm điều đó tương đối dễ dàng. Hơn nữa, tới nay các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định tấm hộ chiếu tìm thấy tại Paris có phải là của thủ phạm vụ tấn công hay không và tất cả đều chỉ là phỏng đoán.

Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, câu trả lời cho vụ tấn công ở Paris không phải là đóng cửa với những người đang tuyệt vọng chạy trốn chiến tranh ở Syria, Iraq hay Afghanistan, trong đó có rất nhiều người muốn thoát khỏi nhóm IS, mà là phải đưa ra được một chính sách tị nạn thống nhất quy mô toàn khối, để người di cư có thể có lựa chọn tị nạn hợp pháp và an toàn.

H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc