Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp giải khát vỉa hè mùa hạn

10:20, 04/05/2016

Đang là thời kỳ cao điểm nắng nóng, các quán nước giải khát trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hút khách hơn bao giờ hết.

Nở rộ quán giải khát

Dạo qua các tuyến phố, dễ dàng nhận thấy những khu vực có vỉa hè rộng, cây bóng mát đều được tận dụng để bán đồ uống giải khát. Đặc biệt, xung quanh Quảng trường 10-3, Công viên Phù Đổng, hay các tuyến đường không gian thoáng mát, có rất nhiều các quán giải khát dã chiến, trong đó, nhiều nhất là nước mía, dừa, cà phê, nước ngọt.

Một quán giải khát tại Quảng trường 10-3 từ sáng sớm đã có nhiều khách.
Một quán giải khát tại Quảng trường 10-3 từ sáng sớm đã có nhiều khách.

Từ chiều, đến tối, khu vực Quảng trường 10-3 trở nên nhộn nhịp khi có nhiều người dân đến dạo chơi, ngồi uống nước hóng mát. Đếm sơ sơ có tới vài chục điểm bán giải khát, lúc nào cũng đông khách. Đang tất bật ép mía phục vụ khách, chị Hạnh, một người bán nước giải khát ở đây chia sẻ, từ khoảng 2 tháng nay, thời tiết nắng nóng, khách uống nước rất đông, đặc biệt là thời điểm 6 – 8 giờ tối, trong đó, đắt hàng nhất là nước mía và nước dừa. Có ngày chị bán được vài trăm ly nước mía, một mình làm không kịp, chị phải mượn thêm hai người phụ bưng nước cho khách. Trong khi đó, khu vực trước Trung tâm văn hóa tỉnh, quán giải khát nào cũng nườm nượp khách vào mỗi tối. Ở đây bán đủ các loại thức uống giải nhiệt như trà sữa chè, nước mía, nước đậu với giá cả rất bình dân (5.000 – 10.000 đồng/ly) nên thu hút rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tương tự, các quán nước phía sau Trường Đại học Tây Nguyên hầu như từ sáng đến tối lúc nào cũng có khách. Chỉ riêng con hẻm đường Y Wang gần cổng sau của trường này đã có tới hàng chục quán giải khát mọc lên san sát, có thời điểm khách ngồi tràn cả ra đường, có quán, khách không có chỗ ngồi, phải mua đem về nhà. Chị Hà, chủ quán cà phê Bazan, đường Mai Thị Lựu (gần Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk) cho biết, quán có không gian thoáng mát nên những ngày nắng nóng rất đông khách, trong đó, món được khách gọi nhiều nhất là các loại kem và nước ép trái cây. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cao hơn rất nhiều so với những thời điểm khác.

Tiềm ẩn mất an toàn

Giải khát là nhu cầu không thể thiếu trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các quán nước vỉa hè. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các quán giải khát trên các tuyến phố đều rất sơ sài, các vật dụng rất mất vệ sinh, người bán cũng chắng mấy quan tâm đến việc đeo găng tay, khẩu trang. Gần như tất cả các quán nước dã chiến này đều không có Giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP. Tại quán chè trên con hẻm nhỏ thuộc đường Y Wang lúc chiều tối có rất đông khách. Bà chủ quán liên tục múc chè, bốc đá, lau bàn và tính tiền đều bằng đôi tay trần. Những nồi chè cũng không được che đậy, mặc dù ngoài đường xe liên tục qua lại cuốn theo rất nhiều bụi. Khách rời khỏi bàn, chị vội vàng dọn ly, thìa cho vào thau rửa sơ qua rồi đưa lên giá để phục vụ khách đến sau. Tình trạng tương tự cũng bắt gặp ở các xe nước mía vỉa hè. Nhiều người cạo vỏ mía rất sơ sài, bụi bám đầy trên bàn ghế, máy ép, thậm chí có người không thèm che bụi bẩn cho mía cây. Chị Nguyễn Thị Trang (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, chị thường xuyên cùng nhóm bạn đến Quảng trường 10-3 uống nước, trước đây chị rất “ghiền” nước mía, nhưng có lần uống về bị đau bụng nên sau đó chuyển sang uống nước dừa.

Theo quy định của Bộ Y tế, khi trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh, chế biến phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về VSATTP; nhân viên phải mặc trang phục chuyên dụng, sử dụng dụng cụ riêng để gắp, múc, chứa đựng các loại thực phẩm ăn ngay; khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm phải có môi trường bảo đảm vệ sinh; đồng thời, nơi bày bán thực phẩm chế biến sẵn phải có tủ kính che đậy, bao gói hợp vệ sinh…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc