Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở Yang Hăn

10:17, 04/05/2016
Yang Hăn là một trong những thôn thuộc dự án định canh định cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số di cư ngoài kế hoạch, chủ yếu là người Mông đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Năm 2010, thôn Yang Hăn được chia tách thành 4 thôn gồm: Yang Hăn, Ea Hăn, Nao Huh, Ea Luêh với 738 hộ, 4.120 khẩu. Từng là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Cư Đrăm, nhưng đến nay đời sống của người dân trong thôn Yang Hăn đã có nhiều cải thiện, diện mạo của thôn cũng ngày càng đổi thay.

Ông Dương Tiến Hòa, một trong những hộ đã vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả trong buôn cho biết: Những ngày đầu tiên vào đây lập nghiệp, đây là vùng đất còn hoang vu, chỉ có cây rừng, giao thông đi lại rất khó khăn, con đường dẫn ra trung tâm xã chỉ là một lối mòn khai thác gỗ của Lâm trường Krông Bông. Do tập quán canh tác lạc hậu, hủ tục nặng nề… nên hầu hết dân ở đây đều là hộ nghèo. Những năm qua, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bà con mới bắt đầu có cuộc sống mới đầy đủ hơn, trẻ em được đến trường, lớp thanh niên mới của thôn chịu khó, chăm chỉ đi học nghề. Bên cạnh đó, hằng năm, với các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ và giới thiệu nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao luôn được thường xuyên tổ chức đã góp phần giúp người dân nơi đây tiếp cận thông tin và ứng dụng vào sản xuất. Ngoài trồng cây lúa nước theo truyền thống, bà con giờ đã tiếp cận được với kỹ thuật trồng cà phê, tiêu… Trong thôn có trên 50% hộ trồng cà phê và hồ tiêu với tổng diện tích trên 30 ha. Tuy nhiên, do mới tiếp cận với các loại cây trồng này nên phần đông bà con chưa có nhiều kinh nghiệm, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch chủ yếu làm theo truyền thống, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì vậy, để phát triển diện tích các loại cây trồng này một cách hợp lý, hiệu quả, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, cần sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở địa phương.

Đường về thôn Yang Hăn đã được bê tông hóa.
Đường về thôn Yang Hăn đã được bê tông hóa.

Một trong những ấn tượng về sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây chính là hệ thống nước tự chảy được bà con tự đóng góp tiền và ngày công để đưa nguồn nước từ đầu nguồn về phục vụ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Nhờ vậy, giữa mùa khô, trong khi nhiều nơi thiếu nước trầm trọng thì bà con nơi đây vẫn đủ nước sạch để sử dụng. Thôn Yang Hăn là một trong những thôn đưa nước sạch tự chảy về sớm nhất ở Cư Drăm. Đến nay, gần như các hộ trong thôn đã dùng nước sạch tự chảy, còn rất ít số hộ dùng nước giếng đào đang được chính quyền vận động đóng góp để mua ống dẫn nước sạch về.

Tuy có nhiều đổi thay, nhưng tập quán sử dụng chất đốt bằng củi của người dân ở đây nên gây ra nhiều hệ lụy như phá rừng, ô nhiễm môi trương... Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho hay, để giúp người dân cải thiện sinh kế, đơn vị đã thực hiện chính sách giao khoán 1.136 ha rừng cho các hộ dân nơi đây quản lý bảo vệ nhưng thói quen sử dụng chất đốt bằng củi trong sinh hoạt gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhất vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, ma chay… người dân di cư mang theo tập quán đốt củi, giữ bếp lửa đỏ gần như cả ngày nên ngốn lượng củi rất lớn. Cứ tính trung bình 1 năm mỗi hộ sử dụng khoảng 10 ster củi, thì ngoài lượng củi được tận dụng từ cành cây khô, có không ít cây rừng đang sinh trưởng phát triển tốt vẫn bị chặt hạ. Chỉ cần dạo một vòng quanh buôn là có thể dễ dàng nhận thấy được điều này, nhà nào cũng chất đầy cây rừng để làm củi đốt. Vì đây là nhu cầu thiết yếu của người dân, nên đơn vị không có biện pháp nào để có thể ngăn chặn, chỉ bằng cách cố gắng tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi được nhiều. Còn như lời ông Hoàng Văn Pao, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, mặc dù thông qua các buổi sinh hoạt thôn đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân rất nhiều nhưng họ vẫn duy trì thói quen lạc hậu đó. Bên cạnh việc sử dụng củi làm chất đốt chính, thì còn có tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy gây nhiều áp lực lên rừng. Bản thân ông cũng mong muốn, ngoài các chính sách giúp người dân cải thiện sinh kế, tuyên truyền hướng dẫn người dân chuyển sang canh tác lúa nước, hoa màu hoặc các cây công nghiệp, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp đốt rừng làm nương rẫy. Đây cũng là một trong những giải pháp để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cho người dân.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc