Multimedia Đọc Báo in

Nước Nga – Những miền ký ức đẹp

08:42, 07/11/2017

Mặc dù sinh sống trên đất nước Liên Xô cũ, Cộng hòa Liên bang Nga ngày nay với thời gian dài, ngắn khác nhau, nhưng với những người từng học tập, lao động nơi đây vẫn luôn in đậm những ký ức đẹp về một đất nước có nền khoa học hiện đại, nền văn hóa đầy bản sắc; đặc biệt, là những người dân Nga nghĩa tình, đôn hậu.

Ấm lòng ngày đông giá lạnh

Với GS.TS Đặng Tuấn Đạt (nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột), những tháng ngày sinh sống và học tập trên đất nước Liên Xô là một kỷ niệm đẹp mà ông không thể nào quên. Với 2 lần được cử đi học tập, nghiên cứu ở Liên Xô vào những năm 80 - 81 và những năm 89 - 91 của thế kỷ XX thật là cần thiết, quý giá để cho ông học tập những kiến thức y học tiên tiến trong phòng, chống và xử lý dịch bệnh. Bên cạnh những hiểu biết về khoa học kỹ thuật tiếp thu được, những người thầy, người bạn Nga đầy lòng nhân ái đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc.

GS.TS Đặng Tuấn Đạt chia sẻ với phóng viên kỷ niệm về những năm tháng học tập tại Nga.
GS.TS Đặng Tuấn Đạt chia sẻ với phóng viên kỷ niệm về những năm tháng học tập tại Nga.

Lúc đó, ông Đạt đang công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tham gia nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh; trong bối cảnh bệnh dịch hạch đang hoành hành khiến rất nhiều người mắc và chết, nên khi được chọn và cử đi học tập, nghiên cứu về phòng chống dịch hạch tại Liên Xô, ông rất phấn khởi, đây là cơ hội tốt để học tập phương pháp, kinh nghiệm về phục vụ nhân dân, đất nước trong lĩnh vực mình đang công tác.

Những ngày đầu đặt chân đến xứ lạ, bao khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và cái lạnh của mùa đông càng làm ông thêm nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Song với sự quan tâm, giúp đỡ, động viên tận tình và sẻ chia của những người thầy, người bạn và người dân Nga, ông đã sớm làm quen với cuộc sống. Trong tâm trí của GS Đặng Tuấn Đạt, tình thầy trò, tình đồng chí, anh em với tinh thần quốc tế trong sáng của người dân Xô Viết là một kỷ niệm đáng nhớ. Ông xúc động nhớ lại: “Vào một ngày mùa đông, khi đi đến trường tôi chỉ mặc một chiếc áo khoác đủ ấm, đến cuối giờ chiều, tuyết rơi nhiều, trời rất lạnh tới trên âm 30 độ C, thấy mình co ro trong giá lạnh, thầy Trưởng khoa trực tiếp hướng dẫn ngày hôm đó đã cởi ngay chiếc áo Panto rồi khoác cho mình. Không những thế, biết học trò thiếu và cần nhiều tài liệu học tập, thầy đã tìm kiếm và  tặng cho mình nhiều cuốn sách quý mà cho đến mãi tận bây giờ nó vẫn rất cần thiết cho mình”.

Với nhiều người từng học tập, lao động tại Nga đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung thì đó là những năm tháng đáng nhớ, là ký ức đẹp về một đất nước vĩ đại và những con người rất đỗi yêu thương.

Sau những năm, tháng học tập, nghiên cứu tại Nga, trở về với quê hương, đất nước, với vùng đất Tây Nguyên, ông đã đem hết những kiến thức, phương pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm tiếp thu được ứng dụng vào điều kiện thực tế Việt Nam, nhất là trong phòng, chống bệnh dịch hạch. Sự nỗ lực của ông cùng các đồng nghiệp và các chuyên gia đã góp phần thanh toán bệnh dịch này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung vào năm 2002.

Chuyện tình trên xứ sở Bạch Dương

Nhắc đến quãng thời gian 4 năm sinh sống và làm việc tại Nga, ông Nguyễn Huy Bài (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) và vợ là bà Nguyễn Thị Định vẫn nhớ như in. Với ông bà, đất nước này đã để lại nhiều ấn tượng khó quên bởi nó không chỉ là nơi giúp hai người tình cờ gặp rồi nên duyên chồng vợ mà còn là mảnh đất đáng đến, đáng sống và đáng học tập. 

Đại biểu tham quan triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại TP. Buôn Ma Thuột.
Đại biểu tham quan triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại TP. Buôn Ma Thuột.

Hồi ấy, bà Định làm việc ở thành phố Ivanovo cách thành phố Iaroslav nơi ông Bài đang sống gần 300 km. Trong một lần cùng bạn đến Iaroslav thăm đồng hương, tình cờ thấy ông Bài đang ngồi may quần áo, bà Định đã vào bắt chuyện làm quen. Biết ông Bài cũng là người cùng quê (Thanh Hóa) nên sau lần gặp gỡ đó, hai người thường xuyên giữ liên lạc. Giữa chốn đất khách, quê người và cùng tâm trạng của những người con xa xứ, tình cảm giữa hai người dần nảy sinh, rồi 2 năm sau họ tổ chức đám cưới ngay trên đất nước Nga.

Có thể nói, ấn tượng nhất với ông bà là người dân Nga rất hiền lành, chất phác, bình dị, thật thà và rất tự giác; hơn thế nữa, họ còn rất quý trọng người Việt Nam. Đơn cử như cô giáo dạy tiếng Nga đã chia sẻ, truyền đạt từ kiến thức về nền văn hóa Nga đến kinh nghiệm sống; là người cán bộ phụ trách công việc luôn ân cần chỉ bảo, động viên và thăm hỏi lúc ốm đau; hay những người bạn cùng lao động luôn bên cạnh khi mình gặp khó khăn.

Ông Bài chia sẻ: Sau những năm tháng lao động ở Nga, ngoài đức tính tốt đẹp của người dân, điều ông học hỏi rất nhiều là sự cần cù lao động và tính tự giác cao. Do đó, khi về công tác tại UBND xã Ea Kao, ông luôn quan niệm phải đặt lợi ích người dân lên trên hết để giải quyết mọi vấn đề, làm việc gì cũng phải đem đến một kết quả nhất định.

Thúy Hồng

 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.