Multimedia Đọc Báo in

Hồ Chí Minh với Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga

07:11, 03/11/2017

100 năm trước đây, vào cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở lại nước Pháp. Tại đây, Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười Nga.

Từ đó, dần dần Người nhận ra rằng: Trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lớn lao chưa từng có: Một dân tộc đã lật đổ bọn áp bức bóc lột mình, tự tổ chức quản lý mọi công việc đất nước, không cần bọn chủ và bọn toàn quyền. Việc đó xảy ra ở nước Nga với những người dũng cảm phi thường và người đứng đầu những người dũng cảm ấy là người dũng cảm nhất: V.I. Lênin. Thế là, Người quyết định ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Lênin và những người  đồng chí trong cuộc Cách mạng Tháng Mười.    Ảnh: Getty Images
Lênin và những người đồng chí trong cuộc Cách mạng Tháng Mười. Ảnh: Getty Images

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành vào Đảng Xã hội Pháp với cái tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia tích cực vào Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp. Người là một thành viên tích cực nhất vận động Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế III và bảo vệ Cách mạng Nga. Đây là cái mốc quan trọng đầu tiên phản ánh sự chuyển biến cả trong tư tưởng lẫn hành động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học.

Tháng 7-1920, Người đọc tác phẩm của V.I. Lênin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920. Tác phẩm đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc. Sau này, trong bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Người kể lại sự kiện quan trọng đó: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Sau đó, Người đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế Cộng sản cho biết Luận cương này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của Người và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc tế III. Cũng từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản, và là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Năm 1923, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã đau đáu với suy nghĩ: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc…”. Vì thế, tối ngày 23-6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô, đất nước mà từ lâu Người mơ ước đặt chân tới. Đầu tháng 7-1923, Người đến Mátxcơva. Ngày 21-1-1924, tin Lênin qua đời đã gây cho Người sự xúc động to lớn. Ngày 27-1, Người viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, trong đó có đoạn: “Từ những người nông dân Việt Nam đến người săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lấy đất nước mình… Họ cũng đã nghe nói rằng, nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà con người dũng cảm nhất là Lênin… Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này muốn giải phóng các dân tộc khác nữa… Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội”.

Lênin đứng giữa quần chúng trong một cuộc biểu tình ở Moscow. Ảnh: Getty Images
Lênin đứng giữa quần chúng trong một cuộc biểu tình ở Moscow. Ảnh: Getty Images

Năm 1926, nhân ngày mất của Lênin, Nguyễn Ái Quốc viết bài: “Lênin và phương Đông” đăng trên báo Gudok (Liên Xô). Một lần nữa, Người khẳng định: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”; “Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, đã tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn”. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người lại tiếp tục khẳng định rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Tháng 2-1930, trên cơ sở của học thuyết Lênin, chủ nghĩa Lênin, Người đã sáng lập nên tổ chức Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người cho rằng: “… nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít lê-nin-nít”. Năm 1941, Luận cương của Lênin, tư tưởng và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga theo Nguyễn Ái Quốc về đất Việt. Bắt đầu từ đây, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để từng bước xóa bỏ chế độ quân chủ áp bức bóc lột nhân dân; xóa bỏ sự can thiệp của các thế lực đế quốc bên ngoài để làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ -  Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 10-7-1957, Người tâm tình với các nhà báo Liên Xô rằng: “Cách mạng Tháng Mười đã đem lại cho chúng tôi chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết bất hủ đó đã vạch ra con đường mà chúng tôi phải đi theo …”.

Ngày 6-11-1957, Người tham dự cuộc họp của Xô Viết tối cao Liên Xô và có bài phát biểu “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” với những lời ca ngợi: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người… Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã chứng minh tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin, nó đã mở đường đi đến những thắng lợi mới của giai cấp công nhân trong cuộc sống xã hội, trên cơ sở lòng trung thành sắt đá với những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin (…). Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của bọn đế quốc … Cách mạng Tháng Mười như một tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay…”. Mười năm sau, vào dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Người lại viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế… Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử”.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ mãi mãi khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại… là vô cùng sâu sắc”.

*Tài liệu tham khảo:

-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, 9, 10, 12.

-Danh nhân Hồ Chí Minh – NXB Lao động, HN 2000.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc