Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 100 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7-11-1917 – 7-11-2017)

Lãnh tụ V.I Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga

13:21, 01/11/2017

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là dấu son chói lọi trong lịch sử nhân loại. Sự kiện trọng đại này gắn liền với tên tuổi của V.I Lê nin – vị lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga và là người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

Lênin là bí danh hoạt động cách mạng của Vla-đi-mia I-lích U-li-a-nốp. Người sinh ngày 22-4-1870 trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Lớn lên vào thời kỳ chế độ Nga hoàng đang ngày càng thối nát, đời sống của các tầng lớp nhân dân Nga vô cùng cực khổ, Lênin đã nhận thức được vấn đề cấp thiết lúc bấy giờ là cần phải đánh đổ chế độ phong kiến Nga hoàng hà khắc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân nước Nga; vì thế Người đã sớm bước vào con đường hoạt động cách mạng. Tháng 12-1887, do tổ chức cuộc đấu tranh của sinh viên, Lênin không được tiếp tục học tại Trường Đại học Tổng hợp Ca-dan, nhưng việc đó đã đưa Lênin trở thành hội viên của nhóm mác-xít ở Ca-dan. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Người đã dần dần giải đáp cho những vấn đề của dân tộc.

Lãnh tụ V.I. Lênin trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga.
Lãnh tụ V.I. Lênin trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga.

Năm 1893, Lênin tới thành phố Pê-tơ-rô-grát và tốt nghiệp Đại học Luật một thời gian sau đó. Cũng thời gian này, Lênin tiếp xúc với những người dẫn đầu phong trào công nhân Pê-tơ-rô-grát và được giới thiệu với một số nhóm công nhân mác-xít. Năm 1895, Lênin thành lập “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân” – tổ chức dân chủ - xã hội đầu tiên ở Nga, có ban lãnh đạo trung tâm và kỷ luật chặt chẽ. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học được phổ biến một cách rộng rãi và dễ hiểu trong quần chúng nhân dân. Từ đó, bắt đầu thời kỳ vô sản tham gia phong trào giải phóng ở Nga. Giai cấp công nhân trở thành lực lượng chủ chốt của cuộc đấu tranh cách mạng.

Mặc dù nhiều lần bị bắt bớ, tù đày nhưng Lênin không rời bỏ con đường hoạt động cách mạng đã chọn lựa. Người trở thành lãnh tụ của các nhà mác-xít Nga, lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga. Theo tư tưởng Lênin, không phải giai cấp tư sản mà là giai cấp vô sản sẽ có nhiệm vụ và khả năng đoàn kết những người lao động và quần chúng bóc lột, dẫn họ vào con đường đấu tranh chống chủ nghĩa chuyên chế.

Trong các tác phẩm đầu tiên của mình, Lênin đã tiên báo các cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Đó là cuộc cách mạng mà giai cấp công nhân giữ vai trò chủ đạo, nông dân là đồng minh của giai cấp công nhân và chính quyền được thành lập sau cách mạng là nền chuyên chính của hai giai cấp cách mạng chứ không phải là nền chuyên chính của giai cấp tư sản. Quan trọng nhất là Lênin đã chỉ rõ: Hướng phát triển của cách mạng là tiến lên chủ nghĩa xã hội chứ không dừng lại ở chủ nghĩa tư bản… Đây là những luận điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng cho phong trào cách mạng Nga. Nó thể hiện tư tưởng tiến bộ của Lênin và tính ưu việt của cuộc cách mạng kiểu mới do Người lãnh đạo.

Năm 1900, Lênin sáng lập báo “Tia lửa” và viết trên tờ báo này về tất cả các vấn đề cơ bản của công cuộc xây dựng đảng mác-xít cách mạng và của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản Nga. Năm 1903, trong Đại hội lần 2 của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, đa số đại biểu đã tán thành đường lối cách mạng của Lênin (được gọi là những người Bôn-sê-vích). Từ đây, bắt đầu lịch sử của chủ nghĩa Bôn-sê-vích với vị trí là một trào lưu tư tưởng xã hội độc lập và chính đảng của giai cấp công nhân Nga. Như vậy, cho đến năm 1905, với nhãn quan tiến bộ và nhiệt tình cách mạng của mình, Lênin đã xây dựng nền móng vững chắc cho phong trào công nhân Nga, tạo những điều kiện để bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga sau này, qua việc truyền bá chủ nghĩa Mác, định hướng và khẳng định con đường giải phóng giai cấp cho nhân dân Nga nói riêng và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nói chung.

Đến năm 1917, do bị sa lầy trong những cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa, chế độ Nga hoàng ngày càng trở nên thối nát và bất lực khi nền kinh tế đất nước suy sụp, quần chúng nổi dậy chống chế độ, chống chiến tranh ở khắp nơi. Trước tình hình đó, Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã nhận định “Tình thế cách mạng đã chín muồi” và lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến Nga hoàng, mà mở đầu là tổ chức cuộc đình công với 30.000 công nhân ở Pê-tơ-rô-grát vào ngày 18-2-1917 (lịch Nga cũ, chậm 13 ngày so với lịch dùng hiện nay). Liên tiếp các ngày sau đó, Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo công nhân bãi công chính trị, rồi chuyển thành khởi nghĩa vũ trang, buộc Nga hoàng phải tuyên bố thoái vị vào ngày 3-3 (tức 16-3). Đó là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (còn gọi là Cách mạng Tháng Hai) với sự tham gia của các giai cấp công nhân, nông dân và tư sản. Chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng đã sụp đổ nhưng lúc đó nước Nga lại tồn tại hai chính quyền song song: chính quyền của giai cấp tư sản (Chính phủ lâm thời) và chính quyền của giai cấp công nhân – nông dân (các Xô viết).

Để chấm dứt tình trạng đó, tối 3-4 (tức 16-4), Lênin từ Thụy Sĩ trở về Pê-tơ-rô-grát trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước đông đảo quần chúng cách mạng, Lênin đã trình bày những luận điểm cơ bản trong cương lĩnh (được ghi vào lịch sử là Luận cương tháng Tư). Người vạch rõ nhiệm vụ chủ yếu lúc này là “chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa” và thực hiện “tất cả chính quyền về tay Xô viết”. Hội nghị toàn Nga lần thứ 7 của Đảng Bôn-sê-vích họp từ ngày 24 đến 29-4 (tức 7 đến 12-5) đã tán thành đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Lênin. Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản đã tiến hành đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh giành chính quyền và thực hiện hòa bình của quần chúng nhân dân, âm mưu tiêu diệt Đảng Bôn-sê-vích và các Xô  viết. Hành động đó của Chính phủ tư sản đã khiến làn sóng cách mạng dâng lên cuồn cuộn khắp nước Nga và điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo tiếng vang lớn trên toàn thế giới “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày 10-10 (tức 23-10), dưới sự chủ trì của Lênin, Trung ương Đảng Bôn-sê-vích đã họp và thông qua nghị quyết khởi nghĩa vũ trang do Lênin vạch thảo. Hội nghị đã quyết định sẽ tiến hành khởi nghĩa vũ trang vào ngày 25-10 (tức 7-11). Nhưng do kế hoạch bị lộ, nên quân đội của chính phủ tư sản đã tập trung trấn giữ các địa điểm quan trọng và chuẩn bị đàn áp cách mạng. Trước tình thế khẩn cấp đó, Lê-nin đã sáng suốt quyết định khởi nghĩa ngay trong ngày 24-10. Đêm 24-10 (tức 6-11), Lênin đến Viện Xmô-nưi ở thủ đô Pê-tơ-rô-grát trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Chỉ trong đêm 24-10, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Pê-tơ-rô-grát và bao vây Cung điện Mùa Đông – nơi ẩn náu cuối cùng của chính phủ tư sản. Tối 25-10 (tức 7-11), chiến hạm Rạng Đông nổ loạt súng lệnh báo hiệu cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông bắt đầu. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, kéo dài nhiều giờ mới kết thúc. Toàn bộ chính phủ lâm thời bị bắt. Tiếp đó, khởi nghĩa thắng lợi ở Mát-xcơ-va và trên toàn đất nước Nga. Ngày 25-10 (tức 7-11) đã đi vào lịch sử dân tộc Nga và nhân loại. Đó là ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Ngay trong đêm 25-10 (tức 7-11), Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ 2 đã được khai mạc trọng thể tại viện Xmô-nưi. Đại hội long trọng tuyên bố nước Nga là Nước Cộng hòa Xô viết của công nhân và nông dân, thành lập Chính phủ Xô viết do Lênin làm Chủ tịch và thông qua hai sắc lệnh lịch sử: Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. 

Cách mạng Tháng Mười Nga đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên thế giới và là “cẩm nang thần kỳ, kim chỉ nam”, để lại nhiều bài học quý báu cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức; tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước.

Trần Văn Lợi


Ý kiến bạn đọc