Multimedia Đọc Báo in

Về Ea Hiao anh hùng

15:25, 31/01/2017

Xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo), nơi có ngọn núi Cư Kung, Cư Jú (thuộc địa bàn buôn Bir) từng được chọn làm căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.

Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân nơi đây bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương, vượt qua những khó khăn, đến nay bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng cao, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Buôn căn cứ “chuyển mình”

Buôn phó buôn Bir - Huỳnh Xuân Cảnh dẫn tôi đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, chạy dài hun hút qua những ngôi nhà dài truyền thống Êđê, Ja rai ở buôn Bir xen lẫn vào đó là những căn biệt thự theo lối kiến trúc hiện đại. Trên sân, nhà nào cũng phơi đầy cà phê, tiếng máy cày, tiếng máy xay cà phê làm náo nhiệt cả buôn. Ông Cảnh không giấu được niềm vui: “Đời sống bà con trong buôn nay đã khấm khá hơn rất nhiều từ khi chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị như cà phê, hồ tiêu...”. Hỏi trong buôn có nhiều người làm kinh tế giỏi không, ông Cảnh trả lời ngay: “Nhiều chứ! Tỷ phú có vài hộ, còn triệu phú cũng đến hơn chục hộ. Nói đâu xa Buôn trưởng Ksơr Blok cũng là một hộ làm kinh tế giỏi”. Buôn trưởng Ksơr Blok tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang, kề bên là ngôi nhà dài bằng gỗ vẫn được ông giữ lại. Trước sân, những bao cà phê chín đỏ au đang được người làm công rải ra sân phơi, trong nhà bọn trẻ chăm chú xem chương trình giải trí trên chiếc ti vi được “tậu” bằng tiền bán cà phê. Nhà ông Ksơr Blok có hơn 2 ha rẫy, trước đây trồng sắn, ngô nên cũng chỉ đủ ăn. Hơn chục năm trước, ông mạnh dạn chuyển phần lớn diện tích này sang trồng cà phê. Do chịu khó tìm hiểu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cà phê phát triển tốt, năng suất cao. Với 1,6 ha, bình quân mỗi năm ông Blok thu về 6 tấn cà phê nhân. Năm nay, trên diện tích đất còn lại để trồng hoa màu, ông  Blok đầu tư trồng 400 trụ tiêu, khoảng 3 năm nữa sẽ có thêm nguồn thu. Tôi hỏi: “Chắc Buôn trưởng là người giàu có nhất buôn này rồi?”. Ông Blok xua tay: “Mình chỉ ở dạng khá thôi, còn nhiều người giàu hơn mình lắm, họ xây được nhà to, sắm được cả ôtô để đi thăm rẫy đó”. 

Đường về xã Ea Hiao hôm nay.
Đường về xã Ea Hiao hôm nay.

Cùng với sự phát triển kinh tế, buôn Bir còn được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trước năm 2012, buôn chưa có đường nhựa, bê tông nhưng nay các tuyến đường nội buôn đã nhựa hóa, bê tông hóa 100%. Trước đây, con em trong buôn muốn biết cái chữ phải vượt vài cây số ra trung tâm xã học, còn nay ở buôn có 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non.

Nhân dân chung sức kéo điện, làm đường

Phó Chủ tịch xã Ea Hiao, Bùi Tiến Lực cho biết: xã Ea Hiao được thành lập từ năm 1981 hiện có 23 thôn, buôn, 2.925 hộ dân với 12.311 nhân khẩu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk đã chọn khu vực có nhiều đỉnh núi cao, như ngọn Cư Kung, Cư Jú thuộc địa bàn buôn Bir để xây dựng căn cứ Đliê Ya. Trong suốt cuộc kháng chiến, quân dân xã Ea Hiao luôn nêu cao tinh thần bất khuất, đoàn kết, gắn bó bên nhau, một lòng theo Đảng đấu tranh chống kẻ thù để giải phóng quê hương.

Hòa bình lập lại, phát huy truyền thống cách mạng, người dân vùng căn cứ bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Từ những nương rẫy manh mún, phương thức canh tác quảng canh kém hiệu quả, Ea Hiao giờ đã trở thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp với những loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu... Đến nay, địa phương có 5.912 ha cây công nghiệp;  trong đó có 4.312 ha cà phê, 904 ha cao su, 663 ha tiêu... Ngoài nông nghiệp, thương mại dịch vụ ở địa phương cũng khá phát triển, hiện có 1 công ty, 4 doanh nghiệp và 258 hộ kinh doanh cá thể. 

Khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, bà con chung tay cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. 6 năm qua, địa phương đã huy động được hơn 13 tỷ đồng từ người dân để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như ở các thôn 1, 6, 10, 9A, 9B... người dân đã chủ động đóng góp hơn 11,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhân dân thôn 1 đóng góp 2,3 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công để bê tông tuyến đường nội thôn dài 2,4 km; thôn 4A đóng góp 158 triệu đồng đổ bê tông con đường 300 m; thôn 9A đóng 230 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn...

Năm 2010, để ghi nhận những đóng góp lớn lao của quân và dân trong suốt cuộc kháng chiến, xã Ea Hiao được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

 

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc