Multimedia Đọc Báo in

Tổ quốc vọng từ biển cả

17:17, 30/01/2017

Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ đã hết, một mùa Xuân mới lại đến trên khắp nẻo đường, biên cương, hải đảo.

Thêm một năm nữa, người lính hải quân không về ăn Tết vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc thân yêu. Ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, khi Xuân về Tết đến nỗi nhớ còn tăng lên gấp bội nhưng điều đó đã trở thành bình thường đối với những người lính biển đêm ngày canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Đón Tết trên biển

Một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm tàu HQ-636 Hải đội 811 Vùng 2 Hải quân - con tàu được mệnh danh là “cá kình” trên mọi vùng biển đảo. Câu chuyện đầu tiên mà chúng tôi nói với nhau là đón Tết trên biển. “Tết ư? Lính biển bao giờ đón Tết cũng rất vui và khác đất liền. Không chỉ riêng tôi mà đa số những người lính trên tàu này đều có thâm niên ăn Tết xa nhà. Những ngày cận Tết sóng to gió lớn, được quây quần bên đồng đội, canh biển đảo Tổ quốc để nhân dân đón Tết yên bình, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi một nửa”, chiến sĩ Nguyễn Duy Anh, tàu HQ - 636 tâm sự.

Tặng hoa chiến sĩ hải quân trước giờ xuất phát.
Tặng hoa chiến sĩ hải quân trước giờ xuất phát.

Điều không thể thiếu trước thời khắc thiêng đêm giao thừa là anh em đồng đội quây quần bên nhau hái hoa dân chủ, tìm hiểu Tết cổ truyền của mỗi miền quê. Hương vị Tết lan tỏa trong tâm hồn những người lính trẻ khi ký ức về cái Tết nơi quê nhà như một cuốn phim quay chậm rõ nét dần. Tết của Nghệ An thêm “tứ nhút tương cà”, Tết của Thái Bình không thiếu hương vị bánh cáy, Tết của Thanh Hóa không thể thiếu bánh răng bừa, Tết của Bắc Giang ngọt ngào món mứt quả vải sấy khô… Sau khi kể chuyện “hương vị Tết quê tôi” là ca hát. Ai cũng phải hát dù chưa hát lần nào. Hát về quê hương đất nước, hát tặng mẹ, hát để vơi bớt nhớ nhà. Những lúc như thế, lính trẻ lại trổ tài “xuất khẩu thành thơ”. “Lính trẻ bọn em ít nhiều ai cũng biết làm thơ đấy, em có cả một kho thơ”. Nói rồi, chiến sĩ Nguyễn Anh Tú cho chúng tôi xem những tờ báo tường “Mừng Xuân dâng Đảng”. Tâm tư của người lính tràn ngập trong ấy khi mùa Xuân về.

Chiến sĩ nhà  giàn gói bánh chưng  đón Tết.
Chiến sĩ nhà giàn gói bánh chưng đón Tết.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng đầu tháng 12 âm lịch, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân và Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân lại chuyển hàng chục tấn quà Xuân của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc ra đảo xa và các nhà giàn. Quà được đóng gói cẩn thận trong bao ny-lon chuyển xuống tàu xếp gọn một khoang. Đến Trường Sa, quà được chuyển xuống tàu chuyển tải đưa vào đảo nhỏ. Đến Nhà giàn DK1, hàng quà được cột chặt vào dây “mồi” thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Tàu và nhà giàn cách nhau chừng 30 mét nhưng không bắt được tay nhau, chỉ biết gửi nỗi nhớ vào sóng gió, chúc Tết qua bộ đàm, thầm chúc cho nhau một năm mới an lành sức khỏe.

Ngay sau khi đón nhận quà Xuân từ đất liền, các chiến sĩ tổ chức gói bánh chưng, mổ heo, gói giò đón Tết sớm. Ở Trường Sa, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông, còn ở nhà giàn, lá gói bánh chưng mang ra từ đất liền. Trước phút giao thừa, mọi người mặc quân phục chỉnh tề quây quần bên nhau, hái hoa dân chủ, bình thơ, bình báo tường, xem không khí đất liền qua màn ảnh nhỏ. Vào thời khắc giao thừa, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì Trường Sa và thềm lục địa, những người lính nguyện trung thành với Tổ quốc, vững vàng tay súng canh giữ cho biển đảo yên bình. Sớm mồng một Tết, đảo trưởng, chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 đến từng phòng nhân viên chúc tết. Mừng tuổi là cái bắt tay, hoặc phong bì lì xì 10.000 đồng lấy thảo, chúc cho nhau năm mới sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giữ vững thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi     

Trong niềm vui của mùa Xuân mới, những người lính Nhà giàn DK1 thường kể lại cho nhau nghe về truyền thống anh hùng của đơn vị, tưởng nhớ đến các đồng đội đã hy sinh để mỗi Nhà giàn DK1 mãi là thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi Tổ quốc. 

Canh biển giữa mùa xuân.
Canh biển giữa mùa xuân.

Những câu chuyện luôn mang đến cho người nghe niềm tự hào và nỗi rưng rưng. Như chuyện Nhà giàn Phúc Tần 3 vào năm 1990 chìm vào lòng biển cuốn theo 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển đêm. Trung úy, chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi, để lại quê nhà người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới. Tháng 12-1998, trong bão tố, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị nhấn chìm cuốn theo 3 chiến sĩ xuống tận biển sâu. Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30 chưa kịp yêu lần nào, để lại quê nhà bố mẹ già và cô em gái bé bỏng Út Hồng. Liệt sỹ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Liệt sỹ Lê Đức Hồng mãi mãi nằm lại trong lòng biển mẹ, ấp ủ những lá thư màu tím kết bạn trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền. Trung úy Liệt sỹ Nguyễn Văn Phương trước họng súng quân thù hô vang “Hãy để máu của mình nhuộm đỏ lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân” rồi ngã vào lòng biển. Trung úy Liệt sỹ Đinh Văn Nam ở Lữ đoàn 125 Hải quân đã dũng cảm cứu tàu tránh mắc cạn để rồi hy sinh quên mình giữa đảo Phan Vinh B. Và 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 với tinh thần “quyết tâm bám đảo, một tấc không đi, một ly không rời” là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc. Máu đào của các anh đã hòa vào biển cả, xương cốt của các anh nằm tận đáy san hô, tên các anh đã tạc khắc vào lịch sử để thế hệ trẻ cả nước tự hào về các anh - những người lính Hải quân quên mình vì dân, vì nước. 

Đón Xuân tận chân trời Tổ quốc, trên đường tuần tra đầy nắng và sỏi cát, bồng súng đứng canh cột mốc chủ quyền hay những ngày huấn luyện vất vả trong mưa rào nắng lửa không làm những người lính Trường Sa sờn lòng. Đá san hô có thể làm chân rớm máu, nắng gió có thể làm áo bạc màu, vết tỳ của đá có thể làm vai hằn sâu nhưng tình yêu biển, đảo thì không hề thay đổi. Đó là mệnh lệnh không lời, là sứ mệnh của người lính biển thời bình được Đảng giao phó, nhân dân gửi gắm niềm tin.

Trường Sa đón Tết, biển đã vào xuân. Mặc cho sóng gió cuồng phong, mặc cho khó khăn gian khổ, các anh vẫn bồng súng đứng gác canh biển, vẫn yêu đời thiết tha hát bài ca người lính biển. Đó là tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả, để mỗi lần nhắc hai tiếng Trường Sa, mỗi chúng ta như thấy Tổ quốc gọi tên mình.

Trần Mạnh Tuấn

 


Ý kiến bạn đọc