Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò trách nhiệm, báo chí Dak Lak góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện

08:14, 20/06/2012

Từ khi ra đời, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đảng ta đứng đầu là chủ tịch hồ chí minh luôn coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén để tuyên truyền, vận động nhân dân; đoàn kết tập hợp mọi lực lượng yêu nước; chỉ đạo các phong trào hành động cách mạng của quần chúng; đấu tranh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc việt nam xã hội chủ nghĩa.

Góp phần vào sự phát triển chung của báo chí cả nước, báo chí Dak Lak luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các cơ quan báo chí vừa góp phần đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền tỉnh vào cuộc sống, vừa phản ánh toàn diện đời sống, góp phần giáo dục, tuyên truyền, vận động toàn dân thi đua phấn đấu vì sự phát triển của tỉnh nhà và đất nước.

Báo Dak Lak đã trở thành người bạn tinh thần thân thiết của các chiến sĩ. Ảnh: Lê Ngọc
Báo Dak Lak đã trở thành người bạn tinh thần thân thiết của các chiến sĩ. Ảnh: Lê Ngọc

Trong những năm gần đây, cùng với báo chí cả nước nói chung, báo chí của tỉnh đã phát triển khá toàn diện, không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh đã có sự tiến bộ trong việc nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phản ánh chính xác, trung thực những vấn đề của cuộc sống trên mặt báo. Đại đa số các nhà báo đã phấn đấu giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp đổi mới báo chí trong sự nghiệp đổi mới chung của đất nước. Trong hoạt động nghề nghiệp bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta, về tình hình nhiệm vụ của địa phương; tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, những tệ nạn tiêu cực trong xã hội; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Với những kết quả đó, báo chí của tỉnh đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định an ninh – quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và thành tích mà báo chí trong tỉnh đã đạt được thì vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, hạn chế cần sớm khắc phục. Nội dung và hình thức của một số báo chưa hấp dẫn, chất lượng, sức thuyết phục, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chưa cao. Vẫn còn có quá ít những bài báo, những phóng sự hay phản ánh sâu sắc thực tế của cuộc sống, nhất là về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như phân tích sâu những vấn đề lớn đặt ra trong các nghị quyết của Đảng. Việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt chưa thường xuyên. Trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa tích cực, mạnh dạn, còn dè dặt, né tránh. Mặt khác, đang có biểu hiện chạy theo xu hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích. Một số ít cán bộ, phóng viên thiếu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, còn yếu kém về nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, bị lợi ích kinh tế đơn thuần chi phối… làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nhà báo, cơ quan báo chí.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong muốn của Đảng bộ và nhân dân, báo chí của tỉnh cần phát huy những ưu điểm, khắc phục thiếu sót khuyết điểm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Trong thời gian tới, tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh cũng đặt ra trước chúng ta những cơ hội, khó khăn và thách thức lớn. Điều đó cũng đặt ra cho báo chí, cho đội ngũ những người làm báo những nhiệm vụ sẽ rất nặng nề và rất vẻ vang.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các cơ quan báo chí, là tuyên truyền sâu rộng, kịp thời có hiệu quả đường lối, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương  4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, báo chí cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khóa XI) đã đề cập, coi đây là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò báo chí rất quan trọng. “Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận”, đó cũng chính là thông điệp được phát đi từ Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất được Ban Chấp hành Trung ương đề ra là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống những thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Đây là một đề tài lớn, là nhiệm vụ cao cả của báo chí, với mục đích cuối cùng là để xây dựng con người và xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp. Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã thêm một lần thổi luồng gió mát, khích lệ dũng khí của những người làm báo  trong công tác đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức khó khăn, nhạy cảm, đòi hỏi báo chí cần nêu cao vai trò trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, có được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” mới hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh vẻ vang của mình. Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã lưu ý: phải kết hợp giữa “xây và chống”, “chống và xây”. Nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, v.v… Đó là những nội dung báo chí cần tập trung, phản ánh kịp thời để công tác xây dựng Đảng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả cao hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, đội ngũ những người làm báo phải luôn thấm nhuần, khắc sâu. Với truyền thống vẻ vang rất đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt 87 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, cùng với báo chí cả nước nói chung, báo chí Dak Lak sẽ tiếp tục phát triển đúng định hướng, mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới, cùng cây bút, trang giấy và trí tuệ, bản lĩnh của mình sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng chính trị, nhân văn cao để góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa đất nước đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Lê Xuân Hảo 

UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc