Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả nổi bật trong việc “Làm theo” Bác và nhiệm vụ trong thời gian tới

06:02, 18/06/2012

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 17-KH/TU, ngày 30-9-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức và cách làm sáng tạo trong việc “làm theo” tư tưởng, tấm gương sáng đạo đức của Người.

Học và làm theo gương Bác, Hội Phụ nữ xã Ea Nam (huyện Cư M’gar) đã phát động xây dựng       “Heo đất tiết kiệm” giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.     Ảnh: Nguyễn Xuân
Học và làm theo gương Bác, Hội Phụ nữ xã Ea Nam (huyện Cư M’gar) đã phát động xây dựng “Heo đất tiết kiệm” giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Nguyễn Xuân

Một trong những đơn vị có cách làm sáng tạo là Huyện ủy Cư Kuin, với Chương trình tiết kiệm một ngàn đồng. Là một địa phương thuần nông, mới chia tách đơn vị hành chính từ huyện Krông Ana năm 2007, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trăn trở trong cách đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực, nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các gia đình chính sách. Nghĩ là làm, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin đã xây dựng và ban hành Chương trình số 01-CTr/BCĐ, ngày 6-1-2012 “Tiết kiệm làm theo lời Bác”. Khi triển khai đến cơ sở, nó có tên gọi đơn giản, dễ hiểu hơn là Chương trình tiết kiệm một ngàn đồng.

Trong thời buổi này, ai cũng nghĩ, một ngàn đồng chẳng mua nổi mớ rau, nhưng với Chương trình tiết kiệm một ngàn đồng của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cư Kuin, khiến chúng ta phải suy nghĩ và nên học cách làm của huyện Cư Kuin. Đó là, vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm để hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo. Mức tiết kiệm: Mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đang hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước cứ 3 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng; Mỗi đảng viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước từ 7 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng; Mỗi đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội cứ 10 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng. Thông qua đó, nhằm nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, ý thức tiết kiệm trong cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, nhất là vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bổ sung vào chương trình, kế hoạch làm việc của mỗi tổ chức, cá nhân, để việc học tập và làm theo Bác đạt được hiệu quả, thiết thực. Các Đảng bộ và các tổ chức chính trị xã hội vào ngày 28 hàng tháng, các chi bộ trực thuộc vào ngày 28 của tháng cuối quý, tổng hợp báo cáo số tiền tiết kiệm được nộp về tài khoản của cơ quan Huyện ủy. Kết quả, hiện nay đã tiết kiệm được trên 400 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm, sẽ tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng; đã xây 2 nhà trị giá 110 triệu đồng cho 2 hộ nghèo và đã trao tặng vào dịp sinh nhật Bác (19-5) vừa qua, hiện đang khảo sát, khởi công 5 nhà, trị giá 270 triệu đồng.

Huyện Cư M’gar có nhiều trường học đã tổ chức lồng ghép các chuyên đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các tiết học lịch sử và giáo dục công dân; phát động trong học sinh phong trào “Thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Tiếp sức đến trường”; Bệnh viện huyện tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện… Ngân hàng Nông nghiệp huyện thực hiện 3 đúng, 3 xây, 3 chống trong giải quyết hồ sơ vay vốn (3 đúng “Đúng chủ trương – đúng pháp luật – đúng thời gian”; 3 xây “Xây dựng tác phong quần chúng; xây dựng tinh thần trách nhiệm; xây dựng ý thức cần kiệm”, 3 chống “Chống quan liêu, cửa quyền; chống tham ô, nhũng nhiễu; chống lãng phí, xa hoa”), đã tiết kiệm được trên 62 triệu đồng. Hội liên hiệp phụ nữ với phong trào “Ống tre tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Tổ nhóm tiết kiệm”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” quyên góp được 2.403 kg gạo và trên 250 triệu đồng, hỗ trợ 96 gia đình; xây dựng 3 nhà “Mái ấm tình thương”, giúp chị em khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Gắn với việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ với xây dựng nông thôn mới, huyện đã vận động dân hiến 1.720 m2 đất, để làm đường, xây hội trường thôn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, với phong trào “Trọng dân, gần dân, giúp dân” theo lời dạy Bác Hồ, trong năm 2011 đã ra sức thi đua làm nhiều việc tốt: giúp dân 1.167 ngày công sản xuất, phát triển kinh tế, tu sửa các công trình công cộng; phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.036 lượt người, trị giá 659 triệu đồng, vệ sinh, phòng dịch tiêm chủng cho 527 trẻ em; phát động phong trào hũ gạo vì người nghèo được 10,5 tấn, tương đương 111 triệu đồng; tổ chức quyên góp quần áo, chăn màn ủng hộ đồng bào miền Trung được 2.663 bộ các loại, cử 145 lượt cán bộ khắc phục hậu quả thiên tai; xây 5 nhà tình nghĩa, 2 nhà đồng đội trị giá 370 triệu đồng, ủng hộ hơn 2,4 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà, chữa bệnh cho các nữ cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cá nhân có đồng chí Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cư M’gar làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 15/15 nhà làm việc cho ban CHQS xã, thị trấn. Trưởng ban quân khí, Phòng Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với sáng kiến cải tiến giá tháo lắp báng súng gỗ tiểu liên AK được Quân khu V tặng giấy khen và công nhận là giải pháp tốt. Một số đơn vị khác trong tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, phát động các phong trào sôi nổi, tổ chức các hoạt động thực hiện Chỉ thị 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị và Kế hoạch 17-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak, gắn với nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, địa phương, đơn vị có hiệu quả thiết thực.

Đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chỉ thị 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, Kế hoạch 17-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak, cho rằng nếu thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/T.Ư, Kế hoạch 17-KH-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị khác, mà chính thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/T.Ư, Kế hoạch 17-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak sẽ là “động lực” thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên khác nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó, mỗi tổ chức, cá nhân đều cho rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân của mình. Bên cạnh đó, các tập thể cá nhân trong quá trình “làm theo” Bác đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, lan tỏa, mang tính nhân văn sâu sắc như các tập thể, cá nhân đã nêu trên. Tuy các cách làm có khác nhau, nhưng đều có chung điểm giống nhau là tư tưởng, tình cảm kính trọng Bác, muốn học tập và làm theo gương Bác.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Dak Lak cần tập trung tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát nội dung chuẩn mực đạo đức đã xây dựng trước đây, bổ sung những nội dung mới phù hợp theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Sau khi rà soát, xây dựng, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh công bố chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong tỉnh vận dụng, bổ sung, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp đặc thù của ngành và thực tế đơn vị cơ sở.

Thứ hai, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành một nội dung sinh hoạt thường xuyên, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, có vị trí, vai trò, dấu ấn của cấp ủy và đồng chí bí thư cấp ủy. Xác định những vấn đề tư tưởng, đạo đức nổi cộm, bức xúc, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, có kế hoạch biện pháp tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm. Nhiều nơi còn lúng túng, không biết đưa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh nào vào sinh hoạt, tháng này nội dung nào, tháng sau nội dung gì, tài liệu ở đâu, khi đưa vào sinh hoạt rồi thì có thảo luận, liên hệ với tình hình cơ quan, đơn vị như thế nào, giải pháp nào để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, ai làm… Tuy nhiên, nhiều chi bộ, đơn vị cơ sở đã xây dựng kế hoạch cả năm và xác định nội dung chủ đề sinh hoạt hàng tháng, gắn với thực tiễn cơ quan, đơn vị, phân công cấp ủy viên, đảng viên phụ trách và chuẩn bị nội dung, được cán bộ, đảng viên hoan nghênh, đồng tình hưởng ứng.

Thứ ba, xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, Phải nghiêm túc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã xây dựng; có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị, cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; có lộ trình, thời gian thực hiện rõ ràng, tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị giúp đỡ thực hiện. Mỗi cá nhân cần nhận thức rõ trách nhiệm, tực giác nêu gương, chứng minh trong thực tế, bằng hành động mình là tấm gương tốt; coi đây là giải pháp để noi gương, lôi cuốn, mở rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, phát hiện, cổ vũ, tôn vinh, nhân rộng các cá nhân tập thể điển hình. Bên cạnh vai trò của các cơ quan báo chí, thì công tác tuyên truyền của mỗi chi bộ, đảng bộ có vai trò rất quan trọng. Hàng tháng, trong sinh hoạt, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhận thấy tháng này tập thể, cá nhân có những việc làm tốt, giải pháp, sáng kiến hay… cần động viên, khen thưởng kịp thời.

Lê Xuân Hảo

(Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc