Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm

22:51, 18/06/2012

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hà Nội ngày 18-6, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.

Buôn Ma Thuột trên đường phát triển
Buôn Ma Thuột trên đường phát triển

Theo đó để giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phân tích và dự báo đúng tình hình, đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài và tại cơ sở để kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, cần khẩn trương giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc; kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để gây rối, phá hoại. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Tây Nguyên với các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 160/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, từng bước đưa sinh hoạt của đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật, góp phần làm thất bại âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng của các thế lực thù địch.

Cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo có đội ngũ kế cận trong 5-10 năm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo phương châm: Kết hợp vừa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hóa, vừa đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị.

Việc ổn định, phát triển Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, gắn với khu vực trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ, khu vực “tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Đ.T (nguồn chinhphu.vn)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc