Multimedia Đọc Báo in

Nặng sâu mối tình trên chiến trường

06:33, 16/03/2024

Lên đường ra chiến trường khi mới tuổi mười tám, đôi mươi, họ mang trong mình cả tình yêu đất nước, quê hương và tình yêu đôi lứa. Vượt lên tất cả mọi cách trở của chiến tranh khốc liệt, họ đã đến bên nhau để xây đắp hạnh phúc gia đình…

Ông Nguyễn Hoành Sơn (SN 1939) sinh ra ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội). Công tác tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội chưa lâu, ông quyết định tạm gác để tham gia cách mạng. Năm 1965, ông theo đoàn quân Nam tiến và có mặt tại Đắk Lắk với vai trò là Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 301, Tỉnh đội Đắk Lắk.

Còn bà là Nguyễn Thị Đội (SN 1946), sinh ra và lớn lên ở quê hương Quảng Ngãi. Gia đình có truyền thống cách mạng nên mới 13 tuổi, bà Đội đã tham gia công tác liên lạc. Năm 1959, bị địch dồn dân lên lập dinh điền ở Đắk Lắk, bà tiếp tục hoạt động cách mạng và "bén duyên" với quê hương thứ hai này.

Ông Sơn đọc cuốn sổ nhật ký ghi chép suốt quá trình ra chiến trường.

Giữa chiến trường ác liệt, họ đã tình cờ gặp nhau. Đó là năm 1966, ông Nguyễn Hoành Sơn tham gia khiêng thương binh về Trạm xá B1 và khá ấn tượng với cô y tá Nguyễn Thị Đội vừa xinh xắn, lại nhanh nhẹn, dũng cảm. Tuy vậy, phải 3 năm sau, cơ duyên giúp họ gặp lại lần nữa, cả hai mới chính thức giữ liên lạc.

Ông kể: “Thời điểm đó ông là Trợ lý cán bộ của Ban Chính trị, Tỉnh đội Đắk Lắk, còn bà về công tác ở Ban Hậu cần của đơn vị. Những cuộc gặp mặt ngắn ngủi giúp hai người đồng cảm và trân trọng nhau”.

Năm 1971, ông tiếp tục ở lại công tác tại Tỉnh đội Đắk Lắk, còn bà được cử đi học Quân y ở Mặt trận B3 Tây Nguyên. Từng bị nhiều vết thương do đạn bom, sức khỏe bà giảm sút nên năm 1973, được đưa về an dưỡng tại Nho Quan, Ninh Bình.

Dẫu không có điều kiện gặp mặt nhiều năm liền, song những cánh thư tay vẫn đều đặn chắp nối hai miền xa ngái. Từ sự động viên của người yêu, cô gái Nguyễn Thị Đội đã mạnh dạn gửi thư cho bố mẹ người yêu ở Hà Nội. Nhận được tin tức, nhà trai về tận khu an dưỡng để xin phép đơn vị đón và nhận “con dâu”, đồng thời mời về thăm “nhà chồng” dù chưa một lần cưới hỏi.

Niềm vui chưa kịp vẹn tròn, năm 1974, sau an dưỡng, cô được điều động về làm nhiệm vụ tại quê hương Quảng Ngãi. Khi ông chuẩn bị dự họp ở Quân khu 5 (Đà Nẵng) thì nhận được thư của bà.

Ông bồi hồi: “May mắn nắm được tin tức, lại được cấp trên tạo điều kiện, nên sau cuộc họp, trên đường trở về Đắk Lắk, chú đã ghé Quảng Ngãi để đón cô về. Gặp mặt bất ngờ, cả hai mừng mừng tủi tủi, nói không nên lời…”.

Chính thức yêu nhau 5 năm, hai người lính trên chiến trường khốc liệt được giao hai nhiệm vụ khác nhau nên thỉnh thoảng mới có cơ hội gặp mặt. Kỷ niệm nhiều nhất mà họ có cũng chỉ là những cánh thư tay viết vội, mà có khi để đợi hồi âm cũng phải mất cả mấy tháng trời. Trong số đó, những cánh thư tỏ tình, dẫu nghệch ngoạc nhưng là minh chứng khẳng định tình cảm đôi bên, cũng là động lực để hai người lính hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.

Ông Sơn, bà Đội cùng ôn lại những kỷ niệm thời chiến.

Ngày 24/12/1974, một đám cưới hạnh phúc diễn ra ngay tại cánh rừng già huyện Krông Bông. Bên nhau chẳng được bao lâu, bởi sau hôn lễ, cũng là lúc chuẩn bị Chiến dịch Buôn Ma Thuột. Ông cùng đồng đội tiếp tục ra trận, thực hiện nhiệm vụ tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng quận Lạc Thiện (nay là huyện Lắk). Còn bà, dẫu đang mang bầu con đầu lòng, nhưng vẫn là hậu cứ vững chắc, tích cực thăm khám, điều trị thương bệnh binh.

Sau giải phóng, vợ chồng ông Nguyễn Hoành Sơn về sinh sống tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột. Ít năm sau, họ sinh thêm hai người con trai, tất cả đều thành đạt, giỏi giang. Đấy là cái kết ngọt ngào, hạnh phúc nhất đối với những người từng vào sinh ra tử thời chiến tranh.

Cả ông và bà đều mang trong mình nhiều vết thương đạn bom (năm 1967, ông bị địch bắn vào tay, đạn sượt dài xuống bụng; còn bà từng bị thương ở tay, mắt và lưng; hiện cả hai đang là thương binh hạng 4), ở tuổi già, mỗi khi trái gió trở trời, lại càng đau buốt, ê ẩm. Dẫu vậy, họ vẫn luôn cố gắng song hành trong mọi nẻo xa gần để bù đắp cho nhau những xa cách, khó khăn thời lửa đạn. Thảnh thơi, ông bà lại kể về truyền thống đánh giặc của quê hương, gia đình cho con cháu thêm trân quý, tự hào…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc