Multimedia Đọc Báo in

Đón Tết giữa đại ngàn

07:43, 11/02/2024

Tết đến xuân về là dịp mọi người quây quần đoàn viên với gia đình, cùng nhau đón thời khắc thiêng liêng trời đất chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhưng với những người làm công tác giữ rừng, họ vẫn miệt mài với công việc tuần tra, bảo vệ cho rừng mãi xanh.

Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa khô, khi những đồng cỏ thênh thang của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ngả sang màu vàng cũng là thời điểm báo hiệu năm cũ sắp hết, năm mới cận kề. Bên trong những cánh rừng, lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn vẫn tất bật cho những chuyến tuần tra bảo vệ rừng

Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Sau hơn 1 giờ băng rừng, vượt suối đi kiểm tra rừng, anh Nguyễn Đắc Thịnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) và đoàn tuần tra dừng lại nghỉ chân. Bỏ ba lô lỉnh kỉnh gùi gạo, thức ăn và các vật dụng sinh hoạt cho chuyến tuần tra dài ngày (dự kiến 3 - 5 ngày), đưa tay lau những giọt mồ hôi, đôi mắt anh đượm buồn khi nghe hỏi về chuyện năm nay ăn Tết thế nào.

Anh Thịnh tâm sự: “22 năm công tác tại đây, chỉ duy nhất được 1 năm mình được nghỉ phép và ăn một cái Tết trọn vẹn cùng gia đình, còn lại phải bám rừng xuyên Tết. Những năm đầu mới vào làm, phải đón giao thừa giữa bốn bề rừng núi không điện, không sóng điện thoại cũng nhớ nhà và chạnh lòng lắm, nhưng dần dà rồi cũng quen. Cứ độ giao thừa, anh em quây quần bên bếp lửa, ăn miếng bánh chưng, uống ly rượu gọi là cho có không khí xuân, rồi động viên nhau thôi thì cái nghiệp giữ rừng nó vậy, phải chấp nhận cuộc sống vất vả, thiếu thốn, đầy rẫy hiểm nguy và những ngày nghỉ lễ, Tết không được về bên gia đình”.

Cả năm đã lặn lội khắp những ngọn đồi, rừng cây, con suối nên đến dịp cuối năm những người làm nghề giữ rừng ai cũng mong muốn về nhà đoàn tụ với gia đình, nhưng vì nhiệm vụ nên đều gác lại niềm vui riêng, ở lại bảo vệ bình yên cho những cánh rừng.

Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết: "Diện tích rừng của đơn vị quản lý nằm trên địa bàn hai huyện Ea Kar và Krông Năng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên và Gia Lai nên công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian nghỉ Tết rơi đúng vào cao điểm mùa khô, các đường mòn, lối mở vào rừng đã khô ráo thuận lợi cho việc di chuyển nên các đối tượng thường chọn dịp này vào xâm hại tài nguyên rừng. Nếu lơ là thì rừng sẽ bị tác động nên chúng tôi xác định nhiệm vụ QLBVR phải được đặt lên hàng đầu, còn việc vui xuân đón Tết tuy có thiệt thòi nhưng vì nhiệm vụ nên anh em cũng vui vẻ với công việc".

Với tinh thần ấy, trong nhiều năm qua, dù Tết hay bất cứ kỳ nghỉ lễ nào, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vẫn đảm bảo quân số trực khoảng 70%. Đơn vị chỉ giải quyết cho một số trường hợp được nghỉ Tết đủ thời gian theo quy định, còn lại anh em ở các trạm, đội chỉ có thể thay nhau nghỉ xen kẽ để tranh thủ về ăn Tết với gia đình một vài ngày.

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xác định khu vực tuần tra rừng trên bản đồ trước khi vào thực địa.

Không riêng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tại Vườn Quốc gia Yok Don, nơi đang quản lý, bảo vệ hơn 110.000 ha rừng khộp đặc hữu, việc đón xuân giữa rừng cũng đã là câu chuyện bình thường với lực lượng giữ rừng ở đây.

Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn chia sẻ, dịp Tết áp lực giữ rừng rất lớn, nguy cơ các đối tượng lợi dụng để vào rừng khai thác lâm sản rất cao nên việc đảm bảo quân số trực để tuần tra, bảo vệ rừng được đơn vị đặt lên hàng đầu.

Bản thân ông Linh đã hơn 20 năm gắn bó với nơi đây, cũng chưa có cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Hiện nay, dù làm công tác quản lý nhưng ông cũng như các thành viên trong Ban giám đốc Vườn vẫn thay nhau trực Tết để điều hành công việc và đồng hành cùng anh em trong công tác giữ rừng.

Một bữa ăn giữa rừng trong dịp Tết của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don.

“Dù thương anh em, biết anh em phải xa gia đình trong dịp này chịu thiệt thòi rất nhiều, nhưng việc giữ rừng không thể lơ là bất kỳ hoàn cảnh nào được. Thôi thì anh em trong đơn vị vui vẻ động viên nhau, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Với chúng tôi, bảo vệ được những cánh rừng mãi xanh cũng xem đó là "mùa xuân" đẹp nhất của những người giữ rừng rồi", ông Linh tâm tình.

Đắk Lắk hiện có 497.018 ha rừng; trong đó: 413.845 ha rừng tự nhiên, 83.173 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,03%. Năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường tuần tra, truy quét các “điểm nóng" xâm hại tài nguyên rừng, qua đó phát hiện, xử lý 974 vụ vi phạm lâm luật, giảm 199 vụ so với năm 2022.

Ngọc Hân


Ý kiến bạn đọc