Multimedia Đọc Báo in

Hương Tết Trường Sa

04:27, 10/02/2024

Tết ở Trường Sa có đầy đủ quất, mai, đào, thịt heo, gạo nếp… và cả những nồi bánh chưng xanh thơm phức màu lá bàng vuông. Quan trọng hơn hết, Tết Trường Sa luôn có những người kiên trung bám biển, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đủ đầy như đất liền

Cuối năm, đất liền nổi từng cơn gió lạnh. Trong lúc người người đang tất bật với bao công việc, chuẩn bị cho ngày Tết thì cũng là lúc đoàn tàu ở Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) hướng ra Biển Đông, chuyển những món quà và tình cảm, hơi ấm từ đất liền đến với Trường Sa.

Trong rất nhiều hàng hóa, có cả những chậu quất, mai, đào... được hết sức nâng niu khi đưa lên tàu. Đó là hình ảnh, hương vị Tết mà đồng bào từ đất liền gửi tới quân dân Trường Sa thân yêu. Những phần quà như bánh kẹo, gạo nếp, thịt heo… được chia thành từng lô, sắp xếp cẩn thận để khi đưa lên các đảo, điểm đảo không bị lẫn lộn.

Các chiến sĩ trẻ đảo Sinh Tồn Đông trang trí hội trường đón Tết.

Hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu bắt đầu đến các đảo. Không khí chuyển hàng náo nức, khẩn trương “trên đảo, dưới xuồng”, gương mặt ai cũng tràn đầy niềm phấn khởi, vui tươi. Bộ đội tíu tít chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền giữa nghìn trùng sóng nước, tuy đơn sơ nhưng đầy ắp tình đồng chí, đồng đội.

Tại đảo Sinh Tồn Đông, sau khi sắp xếp hoa quả, chỉnh trang bàn thờ Bác Hồ với lòng thành kính, các chiến sĩ tiến hành trang trí hội trường của đảo. Những cây quất sai trĩu quả được trang hoàng bởi đèn led nhấp nháy. Cây mai vàng cũng được kết lên những tấm thiệp chúc Tết, những quả bóng bay đủ màu sắc.

Trong hải trình của mình, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, tự hào của những người lính ở các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Nhìn cảnh quân và dân tất bật với những công việc như: trang trí bàn thờ, làm thịt heo, chuẩn bị gói bánh chưng… chúng tôi thực sự cảm nhận được một cái Tết cổ truyền đang về nơi hải đảo.

Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng IV Hải quân) chia sẻ: “Tất cả những mặt hàng thiết yếu nhất nằm trong chế độ tiêu chuẩn và quà của nhân dân cả nước đã được chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ và những người dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Ngoài ra, chúng tôi còn gói ghém tình cảm của đất liền qua những phong thư, những giỏ phong lan… gửi cho các đảo, làm sao để quân và dân các đảo được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và đầy đủ như ở đất liền”.

Ấm áp xuân của lính

Trong thời gian ở lại đảo Nam Yết, chúng tôi được cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo gói bánh chưng. Cũng gạo nếp, đậu xanh và nhân thịt heo nhưng bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. Qua bàn tay khéo léo, động tác thuần thục của những người lính, từng cặp bánh chưng vuông vắn đã nhanh chóng được hoàn thành.

Cẩn thận sắp bánh chưng vào nồi lớn rồi nhóm lửa, bếp trưởng đảo Nam Yết Đặng Đình Sáng kể: “Trước đây, việc đưa nguyên vật liệu ra đảo gặp nhiều khó khăn. Những người lính đi trước đã nảy ra “sáng kiến” dùng lá bàng vuông để gói bánh. Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông không có màu xanh đẹp như lá dong, lại có vị mặn và hơi đắng rất đặc trưng Trường Sa. Vị mặn đắng ấy nhắc chúng tôi về một thời khó khăn, gian khổ của người lính. Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông đã trở thành nét đẹp truyền thống của lính hải quân chúng tôi”.

Vui nhộn đầu xuân với cuộc thi kéo co trên đảo.

Gần 10 tiếng “canh gác”, nồi bánh chưng tỏa hương ngào ngạt, báo hiệu Tết đã về với đảo xa. Trong lúc chờ bánh chưng nguội, các chiến sĩ mổ heo và bắt đầu trổ tài nấu ăn. Chỉ sau vài giờ, trên bàn tiệc đã đầy đủ các món ăn như: thịt heo luộc, thịt heo quay, lòng heo, trứng chiên, bánh chưng, giò chả, canh xương hầm đu đủ… Các chiến sĩ còn khéo léo trang trí các đĩa thức ăn bằng cọng hành, nhành húng… Trước khi khai cỗ Tết, chỉ huy đảo cẩn thận đi qua từng bàn thức ăn, chấm điểm và trao giải thưởng cho bàn cỗ đẹp.

Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết đã 3 năm liên tiếp đón xuân ở đảo, cho hay: “Thường thì vào ngày cuối năm, đảo tổ chức dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên và làm thịt heo, thịt gà. Sau khi liên hoan văn nghệ đón Giao thừa, chúng tôi đi chúc Tết các vọng gác rồi tới thắp hương tại cột mốc chủ quyền và bàn thờ Bác Hồ. Sáng mồng Một, chúng tôi tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc đầu năm và đi lễ Phật tại chùa trên đảo. Trong 3 ngày Tết, chúng tôi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ, chiến sĩ như thi kéo co, bóng chuyền, các trò chơi dân gian…”.

Trung tá Đậu Đình Dân, Chính trị viên đảo Song Tử Tây xúc động: “Tết ở Trường Sa rất đặc biệt, đầy ắp cảm xúc thiêng liêng. Với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, cán bộ, chiến sĩ luôn coi nhau như anh em, cùng đón một mùa xuân mới ấm áp, vui tươi cũng như luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc