Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

09:11, 17/01/2024

Một thời tuổi trẻ, những thanh niên xung phong (TNXP) đã nhiệt huyết xông pha, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc sống thường nhật, họ luôn nỗ lực vươn lên, quan tâm, tương trợ giúp lẫn nhau.

Năng động phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Ngọc Khân (70 tuổi, ở thôn 11, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) từng là TNXP tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật xây dựng cho nhiều cây cầu lớn như cầu Ròn (tỉnh Quảng Bình), cầu Hà Nha (tỉnh Quảng Nam), cầu Sêrêpốk (thường gọi là cầu 14, nối liền giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông)… Sau nhiều năm đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước, năm 1988, ông trở về cuộc sống đời thường, tích cực lao động sản xuất.

Bám trụ với 4 ha mía một thời gian khá dài, nhận thấy loại cây trồng này dần mất đi giá trị kinh tế, đầu năm 2010, ông Khân đã phá bỏ toàn bộ mía, bắt đầu cải tạo đất và lựa chọn giống cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm về cách ươm giống, trồng cà phê, bơ, tiêu…, ông Khân còn lắp đặt hệ thống giếng khoan và béc tưới để thuận lợi trong quá trình chăm sóc cây trồng. Hiện nay, trên diện tích đất rộng hơn 4 ha, gia đình ông Khân trồng xen canh cây cà phê với hơn 200 trụ tiêu, 100 cây bơ, 600 cây điều và nhiều loại cây ăn trái khác như mít Thái, mãng cầu… Từ trồng trọt, trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng.

Xưởng sản xuất cà phê bột của ông Nguyễn Đình Chiến.

Cũng là cựu TNXP làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Đình Chiến (72 tuổi, ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) hiện đang làm chủ một cơ sở sản xuất cà phê bột với mức thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm. Tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu, năm 1977, ông đã phát triển nghề chế biến cà phê bột gia truyền tại vùng đất Đắk Lắk. “Vì việc rang xay cà phê bằng phương pháp thủ công khá vất vả, tốn thời gian và cần nhiều nhân công nên thu nhập trước đây của gia đình còn kém. Năm 2020, tôi đầu tư gần 500 triệu đồng để mua một dàn máy chuyên chế biến và đóng gói cà phê. Máy móc hiện đại đã giúp tôi tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công, từ đó sản lượng và thu nhập cũng tăng gấp 3 – 4 lần”, ông Chiến chia sẻ. Đến nay, mỗi tháng xưởng sản xuất của ông có thể cung cấp hơn 2 tấn cà phê bột cho các cửa hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Đình Chiến còn là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường An Lạc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hết mình hỗ trợ hội viên và tích cực đóng góp vào những hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cựu TNXP là những tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 70 hội viên làm kinh tế giỏi, đã giải quyết việc làm cho 150 cựu TNXP và 23 người là con cháu của cựu TNXP.

Sâu nặng nghĩa tình đồng đội

Không còn nỗi lo về những cơn gió lạnh cuối năm ào ạt lung lay bức vách của căn nhà gỗ đã quá cũ, năm nay gia đình bà Hoàng Thị Mần (70 tuổi, thôn 16A, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được đón một cái tết đủ đầy, ấm cúng hơn trong ngôi nhà mới khang trang. Cả hai ông bà đều là cựu TNXP, có hoàn cảnh khó khăn, thường phải đi mót lúa, làm thuê kiếm sống qua ngày. Tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, công việc lại không ổn định khiến ông bà không dám nghĩ tới việc sẽ có một căn nhà mới. “Nhờ có sự quan tâm của cán bộ Hội Cựu TNXP các cấp và sự chăm lo của đồng đội mà gia đình tôi đã có ngôi nhà khang trang hơn. Từ nay chúng tôi không cần phải lo lắng mỗi khi mùa mưa, mùa lạnh tới nữa”, bà Mần thổ lộ.

Đại diện Hội Cựu TNXP tỉnh và chính quyền xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) trao nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Hoàng Thị Mần.

Cùng chung niềm vui dịp xuân về, hộ ông Vũ Năng Chức (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngân (63 tuổi) ở thôn Điện Biên 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar vô cùng hạnh phúc khi được chuyển vào trong căn nhà Tình nghĩa do Hội Cựu TNXP tỉnh trao tặng. Năm 2019, con trai của ông bà không may qua đời, để lại hai con nhỏ cho bố mẹ già. Tuổi đã cao nên ông Chức chỉ ở nhà để chăm sóc và đưa hai cháu đi học. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của bà Ngân, mỗi ngày bà đều đi làm thuê ở nông trại cách nhà 5 – 6 km để kiếm tiền trang trải cái ăn, cái mặc và tiền học phí cho các cháu. “Ngôi nhà này là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục nỗ lực vượt qua cuộc sống khó khăn, yên tâm kiếm tiền lo cho tương lai của hai đứa cháu”, bà Ngân bày tỏ.

Cùng với việc phối hợp với các cấp, các ngành quan tâm đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho hội viên theo quy định, các cấp Hội Cựu TNXP đã có những hoạt động ý nghĩa hướng về đồng đội như: Thăm hỏi hội viên khi đau ốm và nhân dịp lễ, Tết; phối hợp, vận động xây dựng nhà Tình nghĩa…

Bà Trần Thị Xuân, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: “Qua 18 năm hoạt động, Hội đã vận động được hơn 30 tỷ đồng để thực hiện công tác nghĩa tình đồng đội; xây dựng, sửa chữa gần 500 căn nhà, vận động hơn 30.000 suất quà hỗ trợ cho cựu TNXP khó khăn, neo đơn. Riêng trong năm 2023, Hội đã vận động, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng được 11 căn nhà Tình nghĩa”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc