Multimedia Đọc Báo in

Nhớ chuyến đi Buôn Đôn ngày ấy!

07:45, 26/04/2023

Chúng tôi đến Buôn Đôn cách đây 23 năm khi được Trường Đại học Đà Lạt tổ chức cho sinh viên Văn khoa năm cuối đến thực tập. Gần 1 tháng “cùng ở, cùng ăn, cùng học tập” với cộng đồng người Êđê, M’nông, Lào... ở đây là những trải nghiệm thực tế bổ ích đối với các “ông cử, bà cử” sắp rời ghế giảng đường và cho công việc đảm nhiệm sau này.

Đoàn thực tập đến buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) khi trời đã nhá nhem. Đến nơi, chúng tôi chia nhau đến ở ba nhà dân mà nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, ban tự quản buôn bố trí sắp xếp. Lần đầu tiên ở nhà sàn, các nữ sinh viên lạ lẫm, nhưng cũng nhanh chóng thích nghi!

Thầy chúng tôi và một vài sinh viên nam ở trong nhà mẹ H’Bòn. Bà là người Lào từng bị Pol Pot bắt và phải múa hát phục vụ chúng. Được bộ đội Việt Nam cứu, mẹ về sống tại buôn Trí A. Ngay từ đầu gặp, mẹ xưng mẹ, chúng tôi cũng xưng con luôn.

Đoàn thực tập Buôn Đôn (Trường Đại học Đà Lạt) năm 2000 chụp hình lưu niệm cùng Ama Kông (mặc trang phục truyền thống, đứng hàng trên cùng). Ảnh: Hữu Phong

Mỗi đêm chúng tôi chia nhau từng nhóm đến các buôn: Trí A, Trí B, Jang Lành, Đrang Phốk... để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán và thu thập những câu chuyện kể dân gian. Riêng thầy tôi đi cùng với một nhóm để quan sát, “cứu nguy” cho học trò trong tình huống “bí” như không biết hỏi thêm điều gì, hoặc khai thác câu chuyện kể không hết nội dung. Với những mẩu chuyện sưu tầm, thầy trưởng đoàn đã hướng dẫn một bạn trong đoàn thực tập làm luận văn tốt nghiệp đại học “Tìm hiểu truyện cổ Lào qua tư liệu sưu tầm ở Bản Đôn”.

Gần 1 tháng thực tập ở Buôn Đôn, chúng tôi được khám phá nhiều điều về vùng đất, con người nơi đây. Buôn Đôn, có người gọi Bản Đôn nghĩa là làng đảo, theo lời già Ay Nô, chủ nhà chúng tôi ở giải thích: Ngôi làng được xây dựng trên một hòn đảo nổi của sông Sêrêpốk huyền thoại nên được gọi là làng đảo. Chúng tôi còn biết rằng, Bản Đôn trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược an ninh - quốc phòng, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.

Háo hức và không kém phần tò mò của lũ sinh viên là được nghe kể về chiến tích lẫy lừng của Vua voi Khun Yu Nốp - huyền thoại của cả vùng nhờ tài săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ở Bản Đôn còn lưu giữ hai di tích về Vua voi là nhà sàn cổ và mộ Vua voi. Khu lăng mộ Vua voi được xây dựng theo mô típ hình khối khá đơn giản, được trang trí bằng búp sen chóp nhọn ở đỉnh và bốn góc, được trang trí bằng tượng nhà mồ – một trong những biểu tượng văn hóa Tây Nguyên. Mộ của ông nằm ở bìa rừng buôn Trí A không cách quá xa nơi ở, nên chúng tôi vẫn thường rủ nhau ra thăm mộ, khám phá hoa văn, kiến trúc... Nhân vật thứ hai mà chúng tôi hăm hở muốn biết thật nhiều thông tin là Ama Kông với nhiều câu chuyện đồn thổi về tên tuổi Ama Kông gắn liền với loại rượu nổi tiếng “ông uống, bà khen”. Khi chúng tôi đến thực tập, Ama Kông ở Ban Quản lý rừng Yok Đôn, làm hợp đồng dịch vụ du lịch. Chúng tôi được nghe ông thổi tù và, hát mấy bài ca gọi voi, biểu diễn quấn khố 4 m…

Thiếu nữ Lào trong Lễ hội Bunpimay huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hữu Hùng

23 năm đã trôi qua, bây giờ trở lại Buôn Đôn, cả Ama Kông, mẹ H’Bòn, già Ay Nô đã về cõi Yang. Ngôi nhà sàn của mẹ H’Bòn mà đoàn chúng tôi từng ở không còn nữa, thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố. Đường sá nhà cửa ở buôn Trí A giờ khang trang hơn, hàng quán nhộn nhịp phục vụ du khách. Chiếc cầu ghép thanh tre bắc từ cây này sang cây khác mà thầy trò tôi từng dập dềnh nhún nhảy nay đã khác... Nhiều nét văn hóa cổ truyền đã mai một.

Thật may, nơi đây vẫn còn gìn giữ và nâng tầm lễ hội Tết Bunpimay (Tết cổ truyền của người Lào) tổ chức vào tháng 4 hằng năm để chúng tôi - những sinh viên của đoàn thực tập năm nào và nhiều du khách bây giờ có thể tìm về Bản Đôn tìm hiểu vùng đất huyền sử này! Vùng đất với nhiều câu chuyện “thật mà ngỡ như mơ”, với những con người hiền hòa, đôn hậu đã không còn sự khác biệt, không còn khoảng cách về ngôn ngữ, về văn hóa giữa các dân tộc...

Hồng Hữu


Ý kiến bạn đọc