Multimedia Đọc Báo in

Thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm: Cần tránh tình trạng chồng chéo

07:39, 26/04/2023

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.

Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra ATTP vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý về ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây được xem là một chính sách quan trọng của Luật ATTP với hy vọng khắc phục sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về ATTP của các bộ, ngành, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm mỗi bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP. Một phần của nội dung chính sách này là giảm số bộ tham gia quản lý về ATTP từ 8 bộ (theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003) xuống chỉ còn 3 bộ đó là: Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm ATTP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện ra vi phạm, tồn tại để tuyên truyền, hướng dẫn, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về ATTP. Trong năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức 15 đợt thanh, kiểm tra, hậu kiểm tra về ATTP, gồm 3 đợt thanh, kiểm tra liên ngành, 6 đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 2 đợt thanh tra đột xuất. Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 247 cơ sở thực phẩm, trong đó có 215 cơ sở đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 87%; đã tham mưu xử phạt hành chính đối với 24 cơ sở, với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Châu, thực tế cho thấy, tại các địa phương, công tác thanh, kiểm tra ATTP hiện nay không chỉ do các ngành y tế, nông nghiệp, công thương tổ chức mà còn có lực lượng như: Công an kinh tế, quản lý thị trường, các đoàn kiểm tra liên ngành của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường… dẫn đến quá trình thanh, kiểm tra có sự chồng chéo. Qua theo dõi, các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý cũng nhiều lần phản ánh về thực trạng này.

Qua khảo sát, ghi nhận ý kiến từ một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phần đa các đơn vị này cảm thấy “chóng mặt” với các đoàn thanh, kiểm tra. “Cùng kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, hết thanh tra của sở này đến sở nọ, chưa kể các đoàn kiểm tra liên ngành. Có khi đoàn kiểm tra cấp tỉnh vừa tổ chức thì cấp huyện, thị xã, thành phố cũng “rục rịch” triển khai gây phiền hà, mất thời gian cho chúng tôi, nhất là sau khi vừa trải qua đại dịch COVID-19, kinh tế đang trên đà phục hồi, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn” - Một chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm than thở.

Kiểm tra các sản phẩm thức ăn nhanh đóng gói tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều tồn tại, ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đây lần đầu tiên, các nguyên tắc về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được nêu rõ như không quá 1 lần/năm, các cơ quan phải phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kế thừa kết quả của nhau, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm...

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng chồng chéo nói trên, khi xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra ATTP, các ngành chức năng cần có sự chủ động trao đổi thông tin, bàn bạc với nhau; các cấp chính quyền cũng cần ưu tiên bố trí và phân bổ kinh phí phục vụ công tác thanh, kiểm tra ATTP ngay từ đầu năm để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới nêu rõ: Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, ATTP.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.