Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-magazine) Người Việt gốc Lào trên đất Bản Đôn

09:56, 18/07/2022
 

Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 một số thương nhân ở đất nước triệu voi (Lào) đến vùng đất Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk ngày này) để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, người dân đầy lòng mến khách nên họ quyết định dừng chân lập làng sinh sống.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, từ những người Lào đầu tiên định cư ở đây, đến nay đã có hơn 365 người Việt gốc Lào (61 hộ) sinh sống ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn). Cuộc sống chan hòa, đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số nơi vùng đất lành Bản Đôn là minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt – Lào.

 

 

 

 

Vùng đất Bản Đôn thuở xa xưa nổi tiếng là một trong những điểm trao đổi hàng hóa sầm uất giữa các dân tộc Tây Nguyên với người Lào và người Cao Miên (nay là Vương quốc Campuchia). 

 
 

 

Cùng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, những người Lào đầu tiên định cư ở Buôn Đôn còn có tài buôn bán trâu, bò, voi từ Tây Nguyên sang các khu vực lân cận. Hiện tại Bản Đôn có rất nhiều di sản trên 100 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa Lào. Có thể kể đến cây bồ đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành; ngôi nhà cổ của vua săn voi  Y Thu K’nul - có bố là người Lào di cư tới vùng đất này, mẹ là người M’nông; khu nhà mồ, nơi an nghỉ của những người săn voi giỏi bậc nhất Bản Đôn, nằm ở bìa rừng tại buôn Trí A.

Bản Đôn còn nổi tiếng với phương thuốc bí truyền Ama Kông. Cùng với thương hiệu thuốc Ama Kông, hơn 10 năm nay, gia đình chị Don Say Lào cũng ăn nên làm ra, trở thành triệu phú của làng đảo Bản Đôn nhờ các phương thuốc được truyền từ người cha quá cố Nay Văn Na Lào.

 

Theo lời kể của chị Don Say, sinh thời ông Nay Văn Na Lào thường xuyên cùng với ông Ama Kông đi săn voi rừng. Có những lần trở về nhà với vô số thương tích trên người, nhìn những vết sâu hoắm vắt quanh hông và đùi, hay dấu tích của một cú ngã từ lưng voi xuống đám tre, nứa có vạt nhọn xuyên thấu da thịt. Vậy nhưng những vết thương ấy cũng chỉ điều trị bằng lá cây rừng, bồi bổ sức khoẻ cũng bằng những phương thuốc này.

 
 
 

 

<br>
 

 

 

 

 

Cũng như nhiều người dân sinh sống ở xã Krông Na, chị Don Say rất vui mừng khi cơ sở hạ tầng giao thông nơi mình sinh sống được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Như vậy, ngành du lịch địa phương có điều kiện phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan. Điều này đồng nghĩa sản phẩm thuốc gia truyền của gia đình chị cũng có cơ hội được khách hàng biết đến nhiều hơn. Do vậy, khi chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động, chị Don Say sẵn sàng hiến đất để mở rộng tuyến đường vào Khu du lịch Bản Đôn. 

 

Anh Y Nhan Knul ở buôn Trí sống trong gia đình có 3 thế hệ, bà nội anh là người Êđê, ông nội là người M’nông, còn mẹ là người Lào thế hệ thứ 2. Anh Y Nhan được ông bà nội để lại cho 3 ha đất sản xuất. Cũng như đại đa số các hộ gia đình người Việt gốc Lào ở đây, anh Y Nhan sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. 

 

Những năm gần đây, học tập những nông dân trồng lúa trên địa bàn xã, anh Y Nhan chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ/năm để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Sau thời gian ngắn tích lũy, gia đình anh tiếp tục mua thêm 1,5 ha đất để sản xuất. Từ năm 2016, nhờ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Buôn Đôn về cây trồng, vật nuôi giống, đồng thời anh Y Nhan lên mạng Internet học cách cải tạo vườn tạp. Anh Y Nhan bắt đầu trồng điều, mít, bưởi, dừa, cau… để lấy ngắn nuôi dài.

 

 

 

Người Lào sinh sống chan hòa, giao thoa văn hóa với các dân tộc bản địa, đồng thời duy trì nhiều hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Hiện diện rõ nhất là lễ hội, ẩm thực, âm nhạc và một vài công trình kiến trúc. 

 
 

Đối với người dân tộc Lào, dù sinh sống ở đâu thì phong tục, tập quán sinh hoạt cũng giống nhau, đặc biệt là điệu múa lăm vông. Trong ngày Tết truyền thống, mọi người được thưởng thức điệu múa lăm vông đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Lào. Đây không chỉ là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Lào ở huyện Buôn Đôn mà còn kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc. 

 

Chị Na Tra K’nul (Đội múa xã Krông Na) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã biết đến điệu múa lăm vông, nhìn người lớn múa rồi học theo. Điệu múa nhìn thì cũng đơn giản, nhưng khi học thì không dễ, chủ yếu là đôi bàn tay, từng ngón tay tạo hình và bước chân chuyển động theo nhạc, chỉ cần mình yêu thích thì sẽ học được”. 

 

Văn hóa của người Lào ở xã Krông Na hiện diện rõ trong ẩm thực, nổi tiếng với những món canh hội đủ cả bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt, vừa phổ biến trong bữa ăn hằng ngày, vừa để chiêu đãi khi có khách quý.

“Hương vị món canh chua cá lăng rất hấp dẫn, thanh mát, không giống như canh chua tôi đã ăn nhưng nơi khác. Có lẽ đó là do bí quyết của người Lào…”, ông Nguyễn Bắc Kiên (du khách đến từ Hà Nội) tấm tắc khen.

 

 
 

 

 
 
 
 

Trước đây, âm nhạc Lào rất mờ nhạt tại Buôn Đôn, đâu đó chỉ là một vài điệu dân ca, đôi bài hát. Vài năm nay, các bạn trẻ ở xã Krông Na đã có ý thức gìn giữ phát triển âm nhạc truyền thống Lào.  

 

 

Nhạc cụ truyền thống Lào có đàn phin, khaen (một dạng khèn), vuột, trống, pi (một dạng sáo), đàn pông lan và sập xèng. Trong một lần, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk đưa hai giảng viên (gốc Lào) chuyên ngành âm nhạc dân gian Lào về xã tổ chức lớp dạy nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, các điệu múa...

Kết thúc khóa học các giảng viên tặng 6 nhạc cụ dân tộc Lào cho UBND xã để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa cho cộng đồng người Lào ở đây. Từ đó, các bạn trẻ người Lào có cơ hội để tìm hiểu và tập chơi các nhạc cụ. 

 

Anh Y Nô Ly Kbuôr, Phó Bí thư Đoàn xã Krông Na đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã thành lập câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ Lào với 8 thành viên do anh làm chủ nhiệm và đội múa lăm vông với 5 thành viên. Ngoài biểu diễn tại các sự kiện của địa phương, anh Y Nô liên hệ với các đơn vị du lịch đứng chân trên địa bàn phục vụ cho du khách, nhận biểu diễn trong các đám cưới, tiệc... của những gia đình người Lào để tăng thêm thu nhập, tạo động lực giúp các thành viên gắn bó với CLB.

 

Hiện, anh Y Nô đang duy trì dạy nhạc cụ Lào và tiếng Lào đầu tiên cho thanh thiếu nhi trên địa bàn xã. Anh hy vọng Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào các cấp quan tâm nhiều hơn để có thể tổ chức dạy tiếng Lào cho tất cả những ai có nhu cầu, để văn hoá Lào luôn được gìn giữ trên mảnh đất Buôn Đôn.  

 
 

Tháng 6/2022, ông Nay Văn Lào (em ông Nay Văn Na Lào)- người Lào cuối cùng thuộc thế hệ đầu tiên đến định cư ở vùng đất Bản Đôn đã về với ông bà tổ tiên. Song các thế hệ sau của dân tộc Lào (Việt Nam) tại xã biên giới Krông Na vẫn kết nối, tiếp nhận, gìn giữ những giá trị đặc sắc của dân tộc mình cùng các dân tộc khác nên nghĩa tình ngày càng bền chặt hơn. 

 
 

Sự gắn kết này đã trở thành máu thịt khi những chàng trai, cô gái đất nước Vạn Tượng nên duyên vợ chồng cùng các cô gái, chàng trai dân tộc bản địa như Êđê, M’nông, Gia Rai bên dòng bên dòng Sêrêpốk phóng khoáng, ầm ào chảy. Ngược dòng thời gian, cha ông Y Thu Knul - huyền thoại săn voi của mảnh đất Tây Nguyên khi chọn vùng đất này làm nơi cư trú cũng đã nên duyên với cô gái M’nông. 

 
 
 

Chị Nay Bun Sốm Lào (SN 1983), Chủ tịch UBND xã Krông Na (bìa trái) tự hào mình là thế hệ con cháu đời thứ ba của người Lào sinh trưởng trên mảnh đất Buôn Đôn huyền sử với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng. Chị hào hứng kể: Hè năm học lớp 3, mình được bố mẹ đưa về thăm quê, thăm bà con dòng họ ở thành phố Pắc Xế, tỉnh Champasắc (Lào). Từ đó đến nay do bận học tập, bận công tác nên chưa có điều kiện về thăm quê, nhưng ông nội, các chú, bác thì thường xuyên về quê, nhờ đó mình khá rõ về nguồn cội của gia đình, dòng tộc bên Lào. Mình ở với ông bà (đều là người Lào) từ nhỏ, nên nói tiếng mẹ đẻ khá sõi, nhưng cũng như nhiều người Lào lớn tuổi, mình lại không biết viết tiếng Lào".

 

 

Trưởng thành trong cuộc sống dung dị, gần gũi, chan hòa và giao thoa văn hóa giữa 18 dân tộc thiểu số sinh sống bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk (xã Krông Na) bao năm, nên trong tâm tưởng của chị Sốm đã không còn sự khác biệt, không còn khoảng cách về ngôn ngữ, về văn hóa giữa các dân tộc.

Năm 21 tuổi (2004), nữ kế toán của UBND xã Krông Na nên duyên vợ chồng với nhân viên tín dụng người Êđê Y Sê Êban (SN 1975), bây giờ là Trưởng Phòng LĐ-TXHX huyện Buôn Đôn. Không lâu sau đó hai con trai lần lượt ra đời và được bố mẹ quyết định lấy họ của bố và mẹ để đặt cho con là Bun Khai Êban và Bun Khôi Êban như một minh chứng cho sự hòa hợp của hai dân tộc Lào - Êđê, là sự nhắc nhở các con về nguồn cội của mình. Vợ chồng chị Sốm giáo dục, nhắc nhở các con về nguồn cội gia đình qua ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ hằng ngày, qua các bữa ăn đậm văn hóa Lào - Êđê. 

 

Hiện nay, kinh tế ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận lợi, đặc biệt các thủ tục hành chính đã đơn giản hơn nên người Việt gốc Lào (Bản Đôn) thường xuyên về quê hương thăm người thân và ngược lại có nhiều người Lào ở Pắc Xế, Savannakhet (Lào)… sang thăm bà con ở xã Krông Na cũng bén duyên với quê hương mới.

 

Những người Lào (xã Krông Na) vẫn tâm tình, trò chuyện với những người bạn gốc Lào của mình rằng: Dân tộc Việt và Lào bao đời nay gắn bó, đỡ đần, thương yêu nhau, nên được định cư lại Buôn Đôn cũng hạnh phúc như chính quê nhà mình vậy. Hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long hầu như tất cả người Việt gốc Lào ở Buôn Đôn đều thuộc lòng, là minh chứng sống động về tình nghĩa gắn kết. 

 
 

Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào xã Krông Na cũng rất đỗi tự hào khi mình mang hai dòng máu Lào - M'nông. Ông biết tường tận về nguồn cội, lịch sử của gia đình, dòng họ, đặc biệt là am hiểu về văn hóa, phong tục Lào. Có lẽ ông là người khá hiếm hoi ở xã Krông Na khá am hiểu về những điều này. Ông Y Lươm nói: Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải "có tổ, có tông", có "nguồn cội gốc rễ" thì mới được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong cuộc đời. Bởi vậy lòng biết ơn đối với cội nguồn chính là tình cảm thiêng liêng và là động lực quan trọng nhất để mỗi người người Việt gốc Lào vun vén, xây đắp cuộc sống ở quê hương Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk). 

Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bồi đắp, phát huy tình đoàn kết gắn bó chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của những người con Lào trên vùng đất Buôn Đôn.                                
 

Nội dung: Nguyên Hoa - Sao Mai - Hoàng Ân

Trình bày: Lê Công Định 

 

 


Ý kiến bạn đọc