Multimedia Đọc Báo in

Người Bahnar ở Kon Tum qua ảnh của Daniel Léger

07:36, 24/12/2023

Daniel Léger (1915 - 1980) là một cha xứ người Pháp. Khi Daniel Léger lên nhận lãnh nhiệm sở tại giáo phận Kon Tum, ông đã thực hiện một bộ ảnh nhân học đặc sắc về người Bahnar Rơngao, một nhóm địa phương thuộc dân tộc Bahnar, cư trú phía bắc Tây Nguyên. Bộ ảnh này hiện là một nguồn tư liệu quan trọng cung cấp thông tin về các buôn làng Tây Nguyên xưa.

Trong thời gian làm việc tại giáo phận Kon Tum những năm 1960 của thế kỷ trước Daniel Léger đã dùng ống kính ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường, kiến trúc nhà cửa, cảnh quan, trang phục, vật dụng sinh hoạt, diễn xướng của đồng bào Bhanar ở các làng Dak Yak, Dak Moi, Dak Rao, Kon Krê, Kon Mah, Kon Bahar... thuộc tỉnh Kon Tum ngày nay (do thay đổi địa giới hành chính sau này, một số ngôi làng ấy ngày nay đã nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai).

Là một cha cố lo chuyện đạo nhưng lại rất quan tâm đến văn hóa của các tộc người ở vùng Kon Tum, những ghi chép bằng ảnh của Daniel Léger hết sức chân thực và sinh động. Qua nhiều bức ảnh ta được nhìn lại những ngôi làng cổ ngày xưa còn giữ đúng hồn cốt của “buôn làng cổ truyền xứ Thượng”. Giữa làng thường có nhà rông cao vút, xung quanh là những ngôi nhà sàn của các gia đình thành viên, có cả ngôi nhà dài truyền thống, phía sau nhà dân luôn có những kho lúa. Đặc biệt, xung quanh làng luôn có hàng rào kiên cố, vài cổng làng phụ mở ra hướng rừng, nương rẫy và cổng chính là nơi vào làng; không xa làng là núi rừng xanh thẳm...

Một ngôi làng của người Bahnar với hàng rào xung quanh làng. Ảnh: Daniel Léger

Theo tập tục của đồng bào, rào làng chẳng những nhằm bảo vệ cuộc sống dân làng mà còn là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai của gia đình, tộc họ và của cả buôn làng. Đây cũng là dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ, cấm người ngoài vào làng khi gặp những biến cố như dịch bệnh. Hằng năm, vào lúc nông nhàn, dân làng tập trung tu sửa, gia cố những chỗ bị hư hỏng. Các lối đi đều làm cửa chắn. Mỗi tối, thanh niên trai tráng được các già làng cắt cử thành từng nhóm tuần tra, canh gác quanh làng. Về chủ đề toàn cảnh buôn làng bắc Tây Nguyên, Daniel Léger có hai bức ảnh đặc sắc, đó là bức ảnh một ngôi làng hoàn chỉnh và một bức tựa như chụp “không ảnh”, ôm trọn vào tầm ngắm cả hai ngôi làng nằm liền kề nhau.

Về con người, Daniel Léger đã khắc họa sinh động những sinh hoạt đời thường như lao động, sản xuất; nghệ nhân bên khung dệt, xa kéo sợi, khai thác cỏ tranh để lợp nhà; nét đẹp của người phụ nữ Bhanar qua trang sức, chăm sóc con cái và sinh hoạt lễ hội, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc. Ba bức ảnh miêu tả sự phong phú của nghệ thuật diễn xướng dân gian Bhanar, đó là cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn klông pút. Bức ảnh bốn cô gái trẻ đang khom người say sưa trình tấu nhạc cụ klông pút là một bức ảnh đẹp, giàu chất thơ với bố cục khá chỉn chu, đường nét uyển chuyển, mượt mà. Bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao là bức tác giả ghi lại khoảnh khắc người mẹ trẻ để ngực trần cho con bú. Khi con đang bú mớm, người mẹ nâng đôi tay chăm ẵm dịu dàng đầy nét nữ tính. Càng thú vị hơn khi trên cánh tay trái của người mẹ có đeo trang sức vòng ống bằng đồng. Đây là loại hình trang sức cổ xưa mang đậm dấu ấn cội nguồn mà ngày nay đã vắng bóng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở phía bắc Tây Nguyên.

Các cô gái dân tộc Bahnar biểu diễn đàn klông put. Ảnh: Daniel Léger

Ngoài ra, trong bộ ảnh của Daniel Léger còn chứa đựng nhiều thông tin nhân học bổ ích như như ảnh chụp hoa văn trang trí trên sọ thú, cỗ quan tài độc mộc, những chiếc ché cổ, đặc biệt là loại ché “mẹ bồng con”- vật dụng đáng giá của đồng bào Tây Nguyên – đã được sưu tầm, trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai, Bảo tàng Kon Tum.

Bộ ảnh của Daniel Léger về dân tộc Bhanar đã làm giàu kho tư liệu ảnh về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và con người Tây Nguyên. Đây là “chất liệu” không thể thiếu để tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tìm hiểu về vùng đất, con người ở vùng đất này. Di sản ảnh về các tộc người bắc Tây Nguyên đã được xuất bản, công bố ở một số công trình như sách ảnh xưa và nay, địa chí, chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên cũng đã sưu tầm, trưng bày, triển lãm chuyên đề phục vụ nhu cầu khám phá, thưởng lãm văn hóa bản địa Tây Nguyên của đông đảo công chúng.        

  Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc