Multimedia Đọc Báo in

Phục dựng Lễ cúng nhà rông mới của người Bahnar

18:09, 12/03/2017

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017, chiều 12-3, tại Trung tâm Văn hóa xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đăng cai thực hiện phục dựng Lễ cúng nhà rông mới của người Bahnar.

Tham dự buổi lễ phục dựng có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cùng đông đảo người dân xã Krông Na và huyện Buôn Đôn. 

Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.

Việc phục dựng nghi lễ do hơn 30 nghệ nhân tại làng Mơhra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thực hiện.

Người Bahnar quan niệm, nhà rông là biểu tượng của cộng đồng. Bởi vậy, việc cúng nhà rông mới là dịp để bà con trong buôn cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ buôn làng trong thời gian vừa qua và xin được bình an, phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ phục dựng.

Theo quan niệm của người dân, sau 3 năm kể từ ngày nhà rông mới được dựng lên, nếu trong làng không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, vào thời gian nông nhàn, các già làng sẽ tập hợp lại và quyết định thực hiện lễ cúng. Buổi lễ sẽ được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào buổi sáng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Trưởng Ban tổ chức Lễ phục dựng lễ cúng nhà rông mới Y Si Thắt Ksơr phát biểu tại buổi lễ.

Lễ vật chính của nghi lễ gồm: 1 con trâu đực đen, 1 con heo lớn, 7 con gà trống, 1 con gà mái, không kể các loại rau, gạo… Ngoài ra, mỗi gia đình sẽ đóng góp mỗi ghè rượu, 1 cột gơng, cây nêu và chiêng trống… và được tham gia sinh hoạt văn hóa một cách tự nguyện.

Già làng được xem là chủ của buổi lễ. Các thầy cúng là những người nằm trong hội đồng già làng (luôn là con số lẻ 3, 5 hoặc 7 người).

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr trao cờ lưu niệm cho đại diện đoàn nghệ nhân thực hiện nghi lễ.

Trước khi diễn ra lễ cúng, người dân có cuộc họp quan trọng liên quan đến việc làm sạch môi trường cộng đồng. Những thành viên, khi vi phạm luật lệ làng đều phải nộp phạt gà hoặc heo và ghè rượu để cúng. Việc chuẩn bị này có thể diễn ra trước vài chục ngày hoặc cả tháng. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng truyền thống văn hóa của người dân vẫn được gìn giữ và phát huy.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Các già làng tập hợp lại để quyết định thực hiện lễ cúng.

 

Đại diện các gia đình đóng góp lễ vật để thực hiện nghi lễ...

 

Thanh niên trai tráng và các già làng tiến hành trồng cây nêu, cây gơng...

 

Tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên...

 

... lễ vật được đưa vào.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.