Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Buôn Hồ năng động phát triển kinh tế

08:01, 28/12/2022

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù, siêng năng, ham học hỏi, nhiều đoàn viên, thanh niên thị xã Buôn Hồ đã xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế; không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp lập nghiệp, hằng năm Thị Đoàn Buôn Hồ đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên như: “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày tuyển dụng lao động”, tư vấn, định hướng nghề nghiệp… Cùng với đó, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vay về việc làm cho thanh niên, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; định hướng, tư vấn, hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động; thành lập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên. Duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển kinh tế như: tổ hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế...

Anh Đỗ Ngọc Linh (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng đào với đoàn viên, thanh niên.

Cụ thể, trong 5 năm 2017 - 2022, Thị Đoàn Buôn Hồ đã phối hợp tổ chức 16 đợt tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động, thu hút hơn 18.000 lượt thanh niên tham gia; phối hợp tổ chức 35 buổi hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề cho học sinh lớp 12. Đồng thời, duy trì và phát triển nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 34,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,17% tổng dư nợ ủy thác cho vay.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức đoàn cùng với ý chí, sự quyết tâm, nhiều đoàn viên, thanh niên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế dịch vụ mang lại hiệu quả cao.

Điển hình như mô hình kinh tế của gia đình anh Y Nhiên Ktla (buôn Dlung 1B, phường Thống Nhất). Đầu năm 2022, được vay vốn 50 triệu đồng giải quyết việc làm thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Y Nhiên đã quyết định nuôi dê, bò, heo theo hình thức nhốt chuồng. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn vật nuôi của anh phát triển rất tốt, khỏe mạnh, ít bị bệnh, đến nay đàn dê đã phát triển với số lượng trên 15 con, 6 con bò và 6 con heo. Thành công từ chăn nuôi đã giúp gia đình anh Y Nhiên có được nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình và sớm hoàn trả vốn vay.

Gia đình anh Y Nhiên có thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi.

Hay như mô hình trồng đào Nhật Tân của gia đình anh Đỗ Ngọc Linh ở tổ dân phố 4, phường An Bình. Nhận thấy một số mô hình trồng đào Nhật Tân trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Linh đã dành thời gian tìm hiểu, học hỏi cách trồng đào từ bạn bè, các hộ đi trước; liên kết, trao đổi với các nhà vườn. Vụ Tết năm nay, gia đình anh Linh xuống giống 500 gốc đào; với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay vườn đào của gia đình anh Linh phát triển tươi tốt, nhiều thế cây được anh uốn tỉa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Anh Linh nhẩm tính, với giá bình quân từ 300.000 - 500.000 đồng/gốc đào, dự kiến vụ mùa năm nay anh có lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.