Multimedia Đọc Báo in

Sự bất lực của tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa trong trận chiến Buôn Ma Thuột

08:36, 28/03/2024

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, Quân giải phóng đồng loạt tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột. 4 giờ sáng, Đại tá quân lực Việt Nam Cộng hòa Vũ Thế Quang, Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột tức tốc gọi về Bộ Chỉ huy Quân đoàn II đang đóng ở Pleiku, báo cáo tình hình nguy cấp ở Buôn Ma Thuột. Tham mưu trưởng Quân đoàn II lập tức đánh thức Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II.

Tướng Phú bật dậy, vội xỏ đôi giày rồi chạy nhanh sang Trung tâm hành quân ngay sát đó và giục cấp dưới gọi lại ngay cho Đại tá Quang ở Buôn Ma Thuột để Tướng Phú nắm tình hình chiến sự.

Tiếng Đại tá Quang vang lên trong chiếc loa của máy siêu tần: “Trình Tư lệnh Quân đoàn, địch đang tiếp tục nã pháo vào thị xã...”. Tướng Phú vội hỏi: “Tình hình nặng không?”. Đầu dây bên kia trả lời: “Dạ rất nặng. Cộng quân sử dụng đại bác 130 ly pháo chính xác nhiều nơi như Bộ Tư lệnh Sư đoàn, sân bay L.19 và khu vực kho xăng, kho đạn từ 2 giờ sáng và hiện đã tiến sát phi trường đầu thị xã…”. Tướng Phú lập tức ra lệnh: “Tất cả các đơn vị sẵn sàng chiến đấu”, rồi cảnh báo có thể quân Việt cộng sẽ tấn công ngay sau những trận mưa pháo, “ráng chống đỡ và sử dụng pháo binh phản pháo tối đa vào những địa điểm nghi ngờ có đại bác 130 ly của Việt cộng. Chờ trời sáng rõ, không quân sẽ ưu tiên yểm trợ…!”.

Tướng Phú chấm dứt cuộc điện đàm với Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột. Nhưng có một điều ông không thể ngờ rằng Tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột đã không thể sử dụng pháo đội đại bác 155 ly mà ông đã ra lệnh tăng cường cho Buôn Ma Thuột vào tháng trước, bởi Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 23 đã không cho điều động pháo đội đại bác 155 ly vào Buôn Ma Thuột, mà chỉ gửi 2 khẩu đại bác 105 ly, nhưng trên đường đi đã bị Quân giải phóng chặn đánh và hủy diệt.

Đến 7 giờ sáng 10/3/1975, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa gọi lên Pleiku để ghi nhận tình hình chiến sự ở Buôn Ma Thuột, lên giây cót tinh thần và cho Tướng Phú những lệnh đặc biệt. Đại tướng Viên chấp nhận những đề nghị của Tướng Phú và sẽ cho không quân yểm trợ Buôn Ma Thuột, nhằm đẩy lui quân giải phóng.

Quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu

Đến gần 9 giờ sáng, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa từ Đà Lạt cũng điện đàm với Tướng Phú, khuyên Tướng Phú phải hết sức cẩn trọng, tránh đổ quân quá nhiều vào Buôn Ma Thuột sẽ dễ bị sa lầy, bởi Quân giải phóng sẽ tiếp tục mở những trận đánh lớn khác trên chiến trường Tây Nguyên… Sau đó, Tướng Phú chỉ thị cho Tư lệnh các mặt trận Nam Pleiku, Kontum ra lệnh cho các đơn vị chuẩn bị chiến đấu. Cùng với đó, Tướng Phú cũng đã thảo luận với Trung tá Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Không trợ vùng II, cùng các sĩ quan tham mưu trong việc lựa chọn các mục tiêu cho không quân tiến đánh.

Cũng trong thời gian này, các lực lượng đặc công của Quân giải phóng cùng nhiều xe tăng đã đột nhập sâu vào trong thị xã và những khu vực quân sự trọng yếu quanh Buôn Ma Thuột, càng làm cho địch hoang man tột độ.

Trước tình thế nguy cấp liên tục báo về, gần trưa 10/3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư lệnh tối cao Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã gọi Tướng Phú để nắm lại tình hình, rồi ra lệnh “Bằng mọi giá phải tử thủ Buôn Ma Thuột” và giục “Anh phải giải quyết tình hình mau lẹ, đừng để bị kẹt như Phước Long” (Phước Long bị Quân giải phóng đánh chiếm vào ngày 8/1/1975). Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khẳng định sẽ “tăng viện cho mặt trận Buôn Ma Thuột ngay lập tức”, và “B52 của người Mỹ sẽ trở lại theo như cam kết bằng thư riêng của Tổng thống Nixon viết cho tôi”. Tướng Phú hứa sẽ cố gắng hết sức có thể, nhưng vẫn lo ngại cảnh báo “nếu Cộng quân từ Pleiku kéo xuống, hoặc những sư đoàn Việt cộng từ Bắc kéo vào phối hợp mở những trận đánh lớn khác thì ta sẽ không đủ quân chống đỡ…”!

Cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên trong hỗn loạn của quân đội Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Và, trận chiến Buôn Ma Thuột đã không thể giải quyết như giới chức quân sự cấp cao của Việt Nam Cộng hòa mong muốn. Trong khoảng thời gian từ sáng đến khuya 10/3/1975, những trận đánh tới tấp của Quân giải phóng vào nội đô, vào những căn cứ quân sự trọng yếu của Việt Nam Cộng hòa ở Buôn Ma Thuột như Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, Ty Cảnh sát, sân bay dã chiến Phụng Dực, hậu cứ Trung đoàn 45 bộ binh, hậu cứ các Tiểu đoàn 232, 231 pháo binh, Trung tâm huấn luyện, sân bay Hòa Bình, trại Mai Hắc Đế, kho đạn Mai Hắc Đế…, làm rung chuyển cao nguyên, biến nơi đây thành một bãi chiến trường khủng khiếp với những tiếng nổ liên hồi, cùng nhiều cột khói bốc lên ngùn ngụt trong tiếng gào thét của máy bay yểm trợ trên bầu trời xám xịt, sự tháo chạy hỗn loạn của binh lính và gia đình… báo hiệu sự thất bại thảm hại của đội quân Việt Nam Cộng hòa trên chiến trường Buôn Ma Thuột.

Sáng 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của Quân giải phóng đồng loạt đánh vào Sư đoàn bộ binh 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ sáng Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn các mục tiêu, bắt sống tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắk Lắk và Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột, Quân giải phóng đã làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột chỉ sau 33 giờ tấn công chớp nhoáng, buộc quân lực Sài Gòn phải rút bỏ Tây Nguyên tháo chạy vào ngày 14/3/1975, khởi đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa vào mùa Xuân 1975 lịch sử.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc