Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga

15:51, 27/11/2023

Đầu thế kỷ 20, nhân dân lao động Nga đã làm một cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới”: Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917. Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Lênin, đến với con đường Cách mạng Tháng Mười, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam theo bước tiến của thời đại.

Có thể khẳng định, sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, với nước Nga và đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Nguyễn Ái Quốc đã gửi nhiều thanh niên ưu tú sang Liên Xô học tập. Nhiều người trong số ấy sau khi về nước đã trở thành những lãnh tụ xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam. Đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự trưởng thành của cách mạng Việt Nam là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955. Nguồn: Hội Nhà báo Nga

Không kể những lần đến thăm Liên bang Xô Viết sau này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có hơn sáu năm sống và làm việc tại nước Nga. Người luôn thể hiện tình cảm yêu mến nồng nhiệt, sự biết ơn vô hạn đối với Lênin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Nga. Nhân dân Nga cũng luôn kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người bạn lớn. Tại Liên Xô, và tiếp đó là nước Nga, có nhiều trường học, đường phố, quảng trường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tượng đài của Người đã được dựng lên tại một số thành phố ở Liên bang Nga. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước (1945), việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều cách khác nhau đã bày tỏ mong muốn “Làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”, trước hết là với Liên Xô. Ngày 14/1/1950, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã công khai thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Đây là thắng lợi chính trị to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đà cho những thắng lợi trên mặt trận quân sự của Việt Nam.

Những chuyến thăm hữu nghị của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô cùng các cuộc tiếp xúc hữu ích, thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng Liên Xô đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc không ngừng củng cố tình đoàn kết và mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Ngày 27/2/1991, Việt Nam tuyên bố công nhận Nga là quốc gia kế tục Liên Xô. Trên cơ sở đó, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga được kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ, bằng quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt - Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Năm 1994, hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đây là tiền đề cho việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước năm 2001, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam, tạo nền tảng hợp tác Việt - Nga trong thế kỷ 21. Tiếp đó, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam vào năm 2012, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vorosilop dẫn đầu thăm Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch ngày 20/05/1957. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đến nay, sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Liên bang Nga ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam về mọi mặt, hợp tác chặt chẽ thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các thỏa thuận hai nước đã ký, và sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam - nước tiên phong ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc