Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi)

14:20, 27/11/2023

Sáng 27/11, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã xem xét, đánh giá, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Phù hợp xu hướng quản lý xã hội số

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thông tin: Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình tại Báo cáo số 666/BC-UBTVQH15, ngày 24/10/2023 của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. UBTVQH cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Ảnh: quochoi.vn

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Từ những vấn đề trên, UBTVQH nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân. Vì vậy, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước. 

Về trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 11 và khoản 3 Điều 12), UBTVQH tiếp thu ý kiến của ĐBQH và báo cáo giải trình thêm như sau: Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện Đề án và ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong dự thảo Luật chỉ quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia với ý nghĩa là một hệ thống kỹ thuật được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác, xử lý thông tin phù hợp với chủ trương của Đảng và Đề án của Chính phủ. 

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới khẳng định, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Giải trình, tiếp thu ý kiến về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 24), UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý nội dung này như dự thảo Luật và xin báo cáo như sau: Khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì cũng phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử…, đáp ứng yêu cầu đúng, đủ, sống, sạch, cũng như quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch.

Do đó, trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Để xử lý trường hợp này, bên cạnh việc chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 24, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung nội dung giao Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước” tại khoản 6 Điều 22 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. 

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đối với quy định về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước (Điều 30), có ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, thực tế cho thấy, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta. Do vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch.

Giải trình, tiếp thu ý kiến về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV),  có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu về quy định chuyển tiếp (Điều 46). Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.”; theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.

Đại biểu biểu quyết thông qua Luật căn cước. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu biểu quyết thông qua Luật căn cước. Ảnh: quochoi.vn

Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Kết quả, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 87,25%. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.

Tạo thuận lợi thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã có Báo cáo đầy đủ số 697/BC-UBTVQH15 ngày 24/11/2023 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Về một số nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở (Điều 5), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm tính thống nhất với khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) , UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng thu hẹp phạm vi khu vực chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định.

Về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là: người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa.

Về vấn đề này UBTVQH đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ, sau này, khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 45 như dự thảo Luật là phù hợp; đồng thời, để bảo đảm bao quát, linh hoạt giải quyết các trường hợp đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý điểm g khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật như sau: “g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.” Lý do mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ đã được nêu trong Báo cáo đầy đủ tiếp thu, giải trình.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57), UBTVQH nhận thấy việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 như thể hiện tại dự thảo Luật là nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển, đáp ứng nguồn cung nhà ở cho một bộ phận người dân ở đô thị.

Để có cơ sở triển khai đồng bộ quy định này, các điều có liên quan của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau: (1) Khoản 4 Điều 80 quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn; (2) Khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; (3) Bổ sung vào khoản 1 Điều 85 ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85; (4) Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, UBTVQH nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp. 

Đại biểu tán thành Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tán thành Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua. Ảnh: quochoi.vn

Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo số 642/BC-CP ngày 16/11/2023, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật vì các lý do sau đây: (1) Tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; (2) Tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư; (3) Việc tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp, đồng thời đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật và ý kiến của đa số ĐBQH là phù hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 13 chương, 198 điều.

Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội cũng đã thảo luận dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc