Multimedia Đọc Báo in

Đoàn kết một lòng chống “giặc COVID” (kỳ 2)

09:27, 17/10/2021

Kỳ 2: Những mô hình hay, cách làm hiệu quả

Phát huy tinh thần đoàn kết, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả được triển khai thực hiện trong cuộc chiến chống “giặc COVID”.

Cùng nhau tiếp sức chống dịch

Những ngày này, khi số lượng công dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về huyện Ea Kar ngày càng nhiều, “Bếp ăn 0 đồng” do cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân và đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn đảm nhận lại đỏ lửa, mỗi ngày cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí cho các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện.

Tiếp sức cho các “Bếp ăn 0 đồng” tại 106 khu cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar đã quyết định sử dụng nguồn quỹ trên 700 triệu đồng do các doanh nghiệp, doanh nhân vừa đóng góp tại Chương trình Doanh nghiệp, doanh nhân huyện Ea Kar đồng hành phòng, chống dịch COVID-19 để mua lương thực, thực phẩm.

MTTQ huyện đứng ra ký kết với Siêu thị V-Mart Ea Kar cung ứng gạo, thực phẩm tươi sống cho các bếp ăn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân và người dân đã tự nguyện đóng góp thêm kinh phí, gạo, rau củ, nhu yếu phẩm.

Anh Nông Văn Thăng ở thôn Đoàn Kết (xã Cư Huê) xúc động: “Vượt hàng trăm cây số từ Bình Dương trở về nhà với bao vất vả, lo lắng nhưng được chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận, thực hiện các biện pháp y tế, lo cho từng bữa ăn trong khu cách ly nên tôi cảm thấy thật ấm lòng, đúng là không đâu bằng quê nhà”.

Các địa phương đến nhận lương thực, thực phẩm tại Siêu thị V-Mart Ea Kar về thực hiện "bếp ăn 0 đồng" hỗ trợ người dân tại các khu cách ly tập trung.

Theo Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, nếu không có sức dân, nguồn lực trong dân thì không thể thực hiện được hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn này. Chống dịch đòi hỏi nguồn lực rất lớn, người có sức giúp sức, người có của góp của, người ra tiền tuyến, người ở hậu phương thì mới đẩy lùi được dịch bệnh.

Giáo xứ an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Trước đây, mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, hơn 3.600 giáo dân buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) và các buôn trên địa bàn xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đều tập trung về dự lễ tại Giáo xứ Hòa Nam (xã Ea Nuôl). Để các giáo dân không phải di chuyển xa, giáo xứ đã xin chủ trương và được chính quyền địa phương chấp thuận cho thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tại buôn Niêng, tạo điều kiện cho gần 50% giáo dân người dân tộc thiểu số của giáo xứ sinh hoạt đạo tại đây.

Phêrô Nguyễn Văn Phương (ở giữa) Linh mục quản lý Giáo xứ Hòa Nam trao đổi về hoạt động của mô hình điểm "Giáo xứ 3 an toàn".

Từ tháng 4-2021, khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền và Tòa Giám mục, giáo xứ đã ngưng hoàn toàn việc dự lễ tập trung ở cả hai nơi; thường xuyên phun khử khuẩn toàn bộ khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, Ban truyền thông của giáo xứ đã thành lập trang Fanpage của Giáo xứ Hòa Nam để thông báo đầy đủ thông tin tình hình dịch bệnh, khuyến cáo các giáo dân tuân thủ nghiêm quy định 5K. Linh mục nhắc nhở các giáo dân tham dự thánh lễ trực tuyến vào 5 giờ sáng mỗi ngày hoặc tự cầu nguyện tại nhà, không được tụ tập đông người.

Phát huy tinh thần đoàn kết, thiện nguyện của bà con giáo dân, giáo xứ đã huy động đóng góp nguồn lực hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà Tình thương cho hộ nghèo, thăm và hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn 6 triệu đồng, trao tặng các hộ khó khăn của địa phương trên 3 tấn gạo...

Đặc biệt, vào tháng 9 vừa qua, giáo xứ đã phối hợp cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương ra mắt mô hình điểm “Giáo xứ 3 an toàn”, gồm 4 tổ tự quản với 24 thành viên. Mỗi tổ có nhiệm vụ nắm bắt kịp thời tình hình người dân trên địa bàn được phân công, tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương và hỗ trợ cho các tổ phòng, chống dịch cộng đồng.

Phêrô Nguyễn Văn Phương, Linh mục quản lý Giáo xứ Hòa Nam nhấn mạnh: “Phòng, chống dịch COVID-19 là việc chung mà ai cũng cần chung tay, góp sức. Mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch và chung vai gánh vác tùy theo sức của mình sẽ góp phần khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh”.

Đội tình nguyện xã Cư Bao chở thức ăn chăn nuôi để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khi thực hiện cách ly y tế.

Kết nối, phân phối nguồn lực chăm lo an sinh

Khi 4 buôn Kuang A, Kuang B, Krum A, Krum B của xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) phải phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề cấp thiết nhất chính là việc chăm lo đời sống cho người dân. Ban Chỉ đạo xã đã thành lập Tổ tiếp nhận, phân bổ nhu yếu phẩm và thức ăn gia súc, gia cầm do Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã làm tổ trưởng.

Để tổ vận hành trơn tru, ngoài 20 thành viên là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể xã còn có thêm 10 tình nguyện viên ở các thôn, buôn tham gia. Tổ phân công người đi tiếp nhận hàng hóa, gạo, rau củ quả, thực phẩm ở các nơi về phân loại, đóng gói để trao cho các hộ dân của 4 buôn. Cùng với chăm lo cho người dân các buôn bị phong tỏa, tổ còn điều phối nguồn thực phẩm cho 2 bếp nấu ăn phục vụ lực lượng tham gia phòng, chống dịch, 10 chốt kiểm soát và khu cách ly tập trung của huyện đặt tại địa bàn xã. Đồng thời phân bổ, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho các hộ trong khu vực cách ly y tế.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Bao Lê Thị Hồng Sâm cho biết: "Qua đại dịch này càng thấy rõ sức mạnh  đoàn kết của người dân. Huy động sức dân để chăm lo, bảo vệ nhân dân là bền chặt và hiệu quả nhất. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nếu không có sự đóng góp, đồng hành trên từng chiến tuyến của người dân thì không thể khoanh vùng, dập dịch được".

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Những hạt nhân chống dịch ở cơ sở

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.