Multimedia Đọc Báo in

Sự kỳ thị - nguyên nhân gián tiếp lây truyền HIV trong cộng đồng

06:25, 12/06/2016

Sự nhận biết chưa đầy đủ về HIV/AIDS khiến nhiều người có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng. Vì vậy, trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS, hoạt động truyền thông giáo dục để giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS luôn được đặt lên hàng đầu.

Do không hiểu biết tường tận nên mọi người vẫn coi tất cả những người nhiễm HIV đều gắn với các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, xem HIV/AIDS là bệnh của những người có hành vi xấu xa bị xã hội lên án nên thường nhìn người bệnh với cái nhìn kỳ thị và luôn tìm cách xa lánh họ, thậm chí còn thể hiện thái độ sợ hãi thái quá đối với người nhiễm HIV, không xem HIV/AIDS như những căn bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, do vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS chưa có, người ta thường cho rằng một khi đã nhiễm HIV thì suốt đời mang bệnh và một khi đã mắc bệnh thì cầm chắc cái chết. Những suy nghĩ đó đã khiến sự kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS rất nặng nề, nhiều bậc cha mẹ còn kỳ thị ngay cả với con đẻ của mình mà không hề biết đó là những hành vi thiếu hiểu biết làm tổn thương đến tinh thần, đẩy con em mình rơi vào sự cùng quẫn. Những người nhiễm HIV và gia đình vẫn đang phải chịu đựng sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội trong cuộc sống hằng ngày. Tại nơi làm việc, trong cộng đồng và thậm chí cả trong gia đình, sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến cho vấn đề HIV/AIDS không được bàn luận, thẳng thắn trao đổi.

Nhân viên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm xét  nghiệm tìm HIV.
Nhân viên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm xét nghiệm tìm HIV.

Ít ai biết rằng sự kỳ thị không chỉ làm bệnh nhân HIV/AIDS “đau khổ” mà còn tác động không tốt đến cộng đồng. Sự mặc cảm sẽ khiến người nhiễm HIV giấu bệnh, tự ti, không tham gia giao tiếp xã hội nên không tiếp cận được thông tin từ các nhân viên y tế để tìm cách bảo vệ mình và ngăn ngừa lây nhiễm, từ đó làm tăng nguy cơ lây cho người khác. Sợ bị kỳ thị, xa lánh nên nhiều người nghi mình nhiễm bệnh mà không dám đi xét nghiệm và họ đã trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Có bệnh nhân tâm sự, từ khi nghi mình bị nhiễm đã hơn 3 năm không dám đi xét nghiệm, đến khi thấy mình có dấu hiệu bất thường mới đi khám bệnh tại các phòng khám tư hoặc các bệnh viện đa khoa, khi đó các nơi này mới giới thiệu sang Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để xét nghiệm và kết quả phần lớn đều dương tính với HIV. Từng ấy thời gian nghi nhiễm mà không dám đi khám, người bệnh ấy đã có biết bao nhiêu quan hệ với người thân, bạn tình hoặc vợ, chồng mình để rồi vô tình lây truyền HIV sang. Rõ ràng, sự kỳ thị là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến lây truyền HIV trong cộng đồng. Cũng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà những người có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ bán dâm, người nghiện chích ma tuý, các đối tượng quan hệ đồng giới (MSM)... thường ít được truyền thông về HIV/AIDS. Họ có cuộc sống khép kín, ngại tiếp xúc. Họ thường sống trong một thế giới riêng, tách  khỏi cộng đồng. Chính vì thế, trong sinh hoạt hằng ngày vẫn có hành vi nguy cơ cao, càng làm cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.

Người nhiễm HIV hiện tại rất khó khăn, cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, bị gia đình, người thân và xã hội xa lánh, không có việc làm ổn định hoặc bị mất việc, thiếu thốn tình cảm... nên rất cần có những bàn tay chia sẻ, giúp đỡ từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, bên cạnh hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao ý thức người dân trong phòng chống HIV/AIDS, là tuyên truyền, vận động để cộng đồng giảm kỳ thị với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; đồng thời phải vận động những người nhiễm HIV/AIDS đủ can đảm “bước ra ánh sáng” tìm đến phòng xét nghiệm của các trung tâm phòng, chống HIV/AIDS xét nghiệm để được điều trị chăm sóc.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần chú ý tuyên truyền cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Muốn làm được điều đó thì cần phát huy hơn nữa hoạt động của các tổ chức đoàn thể, y tế thôn buôn, tuyên truyền viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; sớm khôi phục hoặc thành lập lại các Hội đồng đẳng, nhóm bạn cùng cảnh ngộ, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng… để tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao nhằm vận động tuyên truyền, giúp họ giảm kỳ thị và tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. 

Nguyễn Công Thành

 


Ý kiến bạn đọc